Các thông điệp ủng hộ được đăng tải trên mạng Internet sau khi các nguồn tin cho hay, Ji Zhongxing, 34 tuổi, đã đấu tranh đòi công lý nhiều năm nay vì bị các cảnh sát địa phương đánh trọng thương.
Ji quê ở tỉnh Sơn Đông, đến thành phố Đông Quan để làm nghề xe ôm. Anh bị cảnh sát đánh trọng thương năm 2005, dẫn đến tật nguyền, theo nhiều nguồn tin chưa được xác thực. Ji và các thành viên trong gia đình anh từng đến Bắc Kinh năm 2009 để khiếu nại với chính quyền trung ương về vụ việc, theo Bloomberg.
Ji đã cảnh báo các hành khách tại sân bay trước khi kích hoạt thiết bị nổ nhỏ trong tay vào chiều tối hôm qua.
“Anh ấy đã cảnh báo trước với những người đi ngang qua. Đúng là một công dân tốt của xã hội”, Zhao Xiao, một giáo sư ở Viện Công nghệ Bắc Kinh viết trên mạng Sina Weibo.
“Việc cảnh báo mọi người tránh ra xa cho thấy anh ta là một người tốt. Tôi hy vọng các nhà chức trách sẽ nhìn nhận điều này”, một luật sư tên Yuan Yulai nói.
Ji bị bắt tại hiện trường ở sân bay Bắc Kinh và được đưa đến bệnh viện, nơi bàn tay trái của anh bị cắt bỏ. Các luật sư của Ji chưa đưa ra bình luận gì.
Tại Trung Quốc,người dân có thể bày tỏ sự bất bình của mình thông qua một hệ thống khiếu nại từ cơ sở đến trung ương. Nhưng cũng có nhiều trường hợp người dân dùng các hành vi bạo lực để thu hút sự chú ý đến vấn đề của họ.
Willy Lam, một nhà phân tích Trung Quốc thuộc đại học Hong Kong bình luận rằng: “Những người nghĩ rằng họ là nạn nhân của sự bất công đã không còn nơi nào để bấu víu và đôi khi họ nảy sinh những hành vi bạo lực nhằm thu hút quan tâm của dư luận”.
Tháng trước, một người đàn ông thất nghiệp đã giết chết 47 người bằng cách gây nổ một xe buýt ở thành phố Hạ Môn với lý do tương tự trường hợp của Ji. Tuy nhiên, những người sử dụng Internet Trung Quốc nhìn nhận hai vụ việc này khác nhau.
“Đây có một bước tiến bộ, vì Ji đã chọn cách giảm thiểu số thương vong đến mức tối đa”, một người viết trên Sina Weibo.
Anh Ngọc