CNN dẫn số liệu do nhà chức trách Nepal công bố hôm nay cho biết, số người chết do trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Nepal đã lên đến hơn 4.400 người. Số người bị thương là hơn 7.000. Trong đó, ít nhất 1.100 người thiệt mạng tại thủ đô Kathmandu, thành phố với dân số khoảng một triệu người.
Động đất cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia khác trong khu vực. Ấn Độ đến nay ghi nhận 66 nạn nhân thiệt mạng, Trung Quốc có 18 người chết và 4 người thiệt mạng ở Bangladesh, theo Reuters.
Công tác tìm kiếm, cứu hộ càng trở nên khó khăn bởi mưa lớn và chớp giật. Tình hình thời tiết xấu được dự báo còn tiếp diễn.
Liên hợp quốc ước tính có 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất, trong đó 1,4 triệu người đang cần được hỗ trợ về lương thực. Hiện có nhiều tổ chức và chính phủ từ 16 quốc gia viện trợ và cử người đến hỗ trợ cho Nepal, tuy nhiên tình hình vẫn còn khó khăn chồng chất.
Các bác sĩ đã phải chuyển nhiều bệnh nhân ra khỏi những bệnh viện cổ, thực hiện phẫu thuật ở các cơ sở tạm.
Thủ đô Kathmandu trong cảnh tan hoang, tuy nhiên còn ở những nơi xa hơn, bên ngoài thành phố, tình hình được dự báo có thể cũng tệ hại không kém. Các đội cứu hộ vẫn chưa vươn tới được những vùng xa hơn do giao thông tắc nghẽn.
Một số thông tin ít ỏi được đưa lên qua mạng xã hội cho thấy phần nào tình hình: nhiều ngôi làng bị san bằng hoặc vùi lấp trong những trận lở đất gây ra bởi địa chấn. "Những khảo sát ban đầu mà chúng tôi có được từ vùng tâm chấn đề cập dến sự tàn phá gần như hoàn toàn", Jeremy Konyndyk, giám đốc Văn phòng quản lý hỗ trợ thiên tai của USAID cho biết.
Cảm giác hoang mang, tuyệt vọng đang bao trùm thủ đô Kathmandu. Người dân hoàn toàn choáng ngợp trước sức tàn phá quá lớn của cơn địa chấn. Các tuyến đường tắc nghẽn do hàng chục nghìn người dựng trại, nằm ngay trên hè phố vì những ngôi nhà của họ đã bị phá hủy hoặc họ không dám quay trở về vì lo sợ dư chấn còn tiếp diễn.
Chính quyền Nepal dường như vẫn lúng túng trong công tác cứu nạn những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát bởi trang thiết bị hạn chế. Nhiều nhân viên cứu hộ cho biết họ phải đào xới đất bằng tay và đã rất mệt mỏi, kiệt sức vì phải thức thâu đêm.
"Tại khu tôi sống, rõ ràng không nhìn thấy bóng dáng của lực lượng cảnh sát", New York Times dẫn lời Sridhar Khatri từ Trung tâm nghiên cứu Chính sách Nam Á tại Kathmandu, nói. "Thậm chí còn không có cuộc biểu dương lực lượng nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại. Một số báo cho rằng hành vi này đang gia tăng".
"Chờ đợi để được cứu giúp thật khó, chúng tôi tự cứu mình", Pradip Subba vừa nói vừa đào bới để tìm thi thể của anh trai và chị dâu trong đống đổ nát ở tháp Dharahara, Kathmandu. Di tích lịch sử có từ thế kỷ 19 này bị sập trong trận động đất, khi đang có rất nhiều người vào tham quan.
"Tay chúng tôi chính là máy móc", người thanh niên 27 tuổi nói với Reuters. Anh cùng một nhóm người nữa, khẩu trang bịt miện và mũi để phần nào giảm bớt mùi tử thi, tay không kéo các đống gạch. "Chính phủ và quân đội chưa giúp chúng tôi được gì". Rất nhiều người đã bỏ mạng khi tham quan tòa tháp cổ. Cho đến hôm qua, hàng trăm lễ hỏa thiêu những người xấu số đã được thực hiện ở Nepal, tại cả những địa điểm không dành cho các nghi lễ này.
Người đứng đầu lực lượng Khắc phục Thiên tai Ấn Độ, một trong các tổ chức đầu tiên hỗ trợ Nepal, cho biết việc tìm kiếm các thi thể và dọn đống đổ nát cần nhiều thời gian. Thách thức hiện nay là lo nước sạch, lương thực, chỗ ở và phòng dịch bệnh cho những người sống sót.
Tất cả các bệnh viện đều phải đối mặt với tình trạng quá tải và thiếu trầm trọng trang thiết bị y tế. Bác sĩ ở Kathmandu phải chuyển hàng trăm bệnh nhân ra đường trong khi các cơn dư chấn với cường độ cao tiếp tục làm rung chuyển Nepal và Ấn Độ.
Trước những thiệt hại quá lớn mà Nepal phải hứng chịu, nhiều nước trên thế giới cam kết hỗ trợ khắc phục hậu quả của thảm họa. Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ một triệu USD và cử một đội tìm kiếm cứu nạn tới Nepal. Anh hỗ trợ 5 triệu bảng (gần 7,6 triệu USD). Singapore sẽ điều một đội tìm kiếm gồm 55 người. Trung Quốc cũng đã khởi động một kế hoạch viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Nepal. Liên minh châu Âu treo cờ tưởng niệm các nạn nhân và công bố khoản viện trợ 3 triệu USD. Các máy bay quân sự của Ấn Độ đã lên đường sang Nepal hỗ trợ cứu hộ cứu nạn.
Nepal ước tính có 300.000 khách du lịch quốc tế ở nước này khi động đất xảy ra. Việt Nam có khioảng vài chục người, chủ yếu là khách du lịch, có mặt ở Nepal vào hôm 25/4. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hiện đã liên lạc được với các nhóm du lịch này, tuy nhiên vẫn còn 9 người nữa chưa có tin tức.
Vũ Hoàng