- Thưa bà, vì sao Australia quan tâm đến tình hình ở Biển Đông?
- Khoảng 60% thương mại của Australia đi qua Biển Đông, vì thế an ninh ở khu vực này rất quan trọng với chúng tôi. Một phần lớn của thương mại toàn cầu tập trung ở châu Á, nên tình hình ở Biển Đông cũng là mối quan tâm chung của thế giới. Đây là vấn đề khu vực và cũng là vấn đề toàn cầu, tự do dòng chảy thương mại qua Biển Đông cần được đảm bảo và không bị chi phối bởi một nước nào.
Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, chúng tôi đề cao tầm quan trọng của đối thoại, tuân theo luật pháp quốc tế trong đàm phán và tiến tới bộ Quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN (COC). Chúng tôi hy vọng tình hình căng thẳng hiện nay sẽ được giải quyết bằng giải pháp đối thoại hòa bình.
- Australia có hỗ trợ thế nào với ASEAN trong xử lý tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông?
- Australia có thể ủng hộ bằng cách tiếp tục các đối thoại, là một bên trong thảo luận và đề cao bộ Quy tắc ứng xử COC, tái khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ Australia có thể can dự bằng cách đề cao ổn định thông qua đàm phán và thảo luận, đóng góp vào việc duy trì hòa bình.
Quan điểm của Chính phủ Australia là trung lập, nhưng nếu bạn nhìn vào giới học giả Australia, họ có quan điểm rất mạnh mẽ và muốn thấy có dấu hiệu về chính sách của khu vực để giải quyết vấn đề.
- Là một người ở bên ngoài nhìn vào, bà nghĩ như thế nào về diễn tiến hiện nay?
- Tất nhiên tất cả chúng ta đều lo ngại về diễn biến, chúng ta cùng muốn ổn định và thịnh vượng cho khu vực. Chúng ta bàn đến việc một nước đi đến đâu và tại sao, nên căng thẳng sẽ làm mọi người quan ngại.
Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ lịch sử lâu dài, là chặng đường khá sâu sắc trên nhiều khía cạnh. Trung Quốc có vẻ như đang thay đổi cách tiếp cận trong khu vực và thay đổi cách tiếp cận ban đầu với Việt Nam. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ có đối thoại hòa bình mà có sự tham gia của các nước ASEAN .
- Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay. Nếu Trung Quốc từ chối lắng nghe ý kiến của nhiều nước, tình hình sẽ đi đến đâu?
- Đó là một điều rất thách thức. Tôi nghĩ việc viện dẫn đến luật pháp quốc tế và tôn trọng Luật Biển vẫn được đề cao kể cả khi Trung Quốc không muốn tuân theo.
Chúng ta nghe một vài tuyên bố từ Trung Quốc là muốn trỗi dậy hòa bình, nhưng rõ ràng danh tiếng của Trung Quốc bị hủy hoại vì nhận được nhiều chỉ trích trên toàn cầu.
Tôi nghĩ sẽ rất hữu ích nếu Việt Nam thảo luận tình hình với các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông như Philippines, Malaysia, Brunei để có quan điểm và phản hồi thống nhất trước các diễn biến ở khu vực.
Việt Anh (ghi)