
Cảnh sát lập rào chắn hôm 4/5 ở Myanmar. Ảnh: MyanmarTimes
Theo Reuters, cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát từ 4/5, khi một số người phá hàng rào cảnh sát bảo vệ hầm mỏ. Hầm do Myanmar Wanbao, đơn vị của một nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc, điều hành.
Myanmar Wanbao điều hành mỏ Letpadaung trong liên doanh với công ty Myanmar Economic Holdings Ltd., do quân đội Myanmar kiểm soát. Dân làng cho rằng đất của họ bị tịch thu trái phép để mở rộng quy mô hầm mỏ.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn xảy ra năm 2012 và 2013, trong đó cảnh sát chống bạo động đột kích trại biểu tình, làm hơn 100 người bị thương. Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi sau đó dẫn đầu cuộc điều tra, yêu cầu bồi thường cho dân và giảm thiểu thiệt hại môi trường.
Bà Suu Kyi dẫn đầu đảng của bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm ngoái và hiện giám sát chính phủ. "Người Trung Quốc chưa làm điều gì để thực hiện nghĩa vụ được đề cập trong báo cáo của bà Aung San Suu Kyi", Ma Mar Cho, một trong những lãnh đạo biểu tình, nói.
Phát ngôn viên của văn phòng bà Suu Kyi cho biết chính phủ đang theo dõi tình hình và phản ứng của công ty với khuyến nghị điều tra trước đó. "Chúng tôi đang kiểm tra xem công ty đã thực hiện yêu cầu của uỷ ban với các bộ như thế nào", Zaw Htay, phát ngôn viên Văn phòng Uỷ viên Quốc vụ, cơ quan do bà Suu Kyi điều hành, nói.
Hoạt động tại khu mỏ nằm cách thành phố Mandalay khoảng 100 km về phía tây đã bị đình chỉ sau các cuộc biểu tình năm 2012 - 2013. Công ty gần đây đang cố cho thấy họ có thể giảm thiểu tác động của việc khai mỏ và cải thiện sinh kế.
Các cuộc biểu tình có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa đảng của bà Suu Kyi và quân đội, vốn vẫn giữ vai trò chính trị lớn khi kiểm soát ba bộ quan trọng. Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ theo dõi cách giải quyết của chính phủ mới với những cuộc biểu tình.
Xem thêm: Trung Quốc xoay sở khôi phục vị thế ở Myanmar
Trọng Giáp