Hơn một chục tàu từ nhiều nước châu Âu, cùng ít nhất một tàu dân sự, thực hiện nhiệm vụ giải cứu những người di cư bị mắc kẹt trên biển tại 4 địa điểm, CNN dẫn lời một sĩ quan đội bảo vệ bờ biển Italy cho hay.
Theo ông William Spindler, phát ngôn viên Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc, các đơn vị triển khai hành động sau khi nhận cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên vào sáng sớm qua. Đến 11h (giờ địa phương), khoảng 3.480 người đã được cứu thoát.
"Thời tiết và điều kiện trên biển tương đối tốt. Đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về việc xảy ra tai nạn hay có người chết hoặc mất tích", Spindler nói. Tham gia chiến dịch lần này có tàu thuộc hải quân các nước như Italy, Anh, Đức và Ireland.
Ian Ruggier, thành viên nhóm Trạm Nhân đạo Ngoài khơi cho Người di cư (MOAS), cho biết, cùng ngày, khoảng 2.400 người cũng được cứu từ 5 chiếc thuyền lênh đênh trên biển, cách Libya hơn 50 km. Mỗi thuyền nhồi nhét khoảng 560 người.
Tình trạng người di cư vào châu Âu bị mắc kẹt trên biển Địa Trung Hải đang trở nên rất nghiêm trọng nhưng không phải quá mới mẻ. Đa phần những người này đến từ các nước nghèo khó, bị chiến tranh tàn phá như Syria, Somalia, Sudan và Eritrea.
Hồi tháng 4, 800 người di cư thiệt mạng khi chiếc thuyền chở họ lật úp trên vùng biển cách Libya 113 km. Dù vụ việc được đăng tải rộng khắp trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn không thể ngăn cản dòng người di cư đổ về các nước châu Âu.
Liên Hợp Quốc ước tính, đến cuối tháng 5, trong năm nay, gần 90.000 người di cư và người tị nạn đã đi xuyên Địa Trung Hải để đến châu Âu. Hơn một nửa tới Italy, khoảng 42.000 người tới Hy Lạp, số còn lại cập bến Tây Ban Nha và Malta. Tuy nhiên, cũng có tới hơn 1.800 người thiệt mạng trong những chuyến hành trình đầy rủi ro này.
Vũ Hoàng