Dòng người biểu tình tuần hành từ Công viên Victoria thuộc khu mua sắm sầm uất Causeway Bay tới khu vực tập trung các tòa nhà trụ sở chính quyền. Nhiều người trong số này mặc áo sơ mi và mang theo những chiếc ô màu vàng, biểu tượng của phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, theo Reuters.
"Chúng tôi muốn nói 'không' với đề xuất của chính quyền", Cleo Chui, sinh viên, 21 tuổi, hô lớn. "Đó không phải Hong Kong mà chúng tôi mong đợi. Ủy ban bầu cử không hề đại diện cho tiếng nói của người Hong Kong. Nó đã được lựa chọn từ trước, không phải phổ thông đầu phiếu thực sự".
Daisy Chan từ Mặt trận Nhân quyền Dân sự, nhóm đứng ra tổ chức cuộc biểu tình, cho hay đây là cơ hội cuối cùng của họ để đấu tranh cho dân chủ.
Những người ủng hộ chính quyền Bắc Kinh cũng góp mặt trong dòng người biểu tình và vẫy những lá cờ Trung Quốc. Hai bên khẩu chiến quyết liệt nhưng không có dấu hiệu bạo lực.
Cơ quan lập pháp của đặc khu ngày 17/6 tới đây bắt đầu thảo luận về kế hoạch cải cách bầu cử và dự kiến đưa ra quyết định vào cuối tuần thông qua một cuộc bỏ phiếu.
Theo nguồn tin cảnh sát, sẽ có khoảng 5.000 nhân viên an ninh được điều động để đảm bảo trật tự vào ngày cuộc bỏ phiếu diễn ra. Người này đồng thời cảnh báo cuộc biểu tình có thể sẽ lớn hơn và kích động hơn nếu kế hoạch được thông qua.
Phong trào Chiếm Trung tâm diễn ra ở Hong Kong từ tháng 9 đến tháng 12 năm ngoái, nhằm kêu gọi chính quyền trung ương Trung Quốc rút lại quy định đưa ra trước đó liên quan đến cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu diễn ra vào năm 2017. Điều luật yêu cầu trưởng đặc khu mới phải được chính quyền trung ương sàng lọc và thông qua.
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Kong Kong cho rằng quy định này chính là sự nhạo báng đối với tuyên bố đảm bảo phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong của chính quyền trung ương Trung Quốc.
Phong trào kéo dài gần ba tháng, lúc cao điểm thu hút hàng chục nghìn người tham gia, lập rào chắn, chặn đứng nhiều tuyến phố chính của Hong Hong. Cảnh sát có lúc phải dùng đến đạn hơi cay để giải tán đám đông.
Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong hôm 22/4 vẫn công bố kế hoạch chi tiết về những cải cách trong việc bầu chọn người đứng đầu đặc khu mà không có sự nhượng bộ nào từ chính quyền trung ương, bất chấp những đòi hỏi của người biểu tình.
Vũ Hoàng