Theo Itar-Tass, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ, các nước G7 tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt "đối với những cá nhân và tổ chức hỗ trợ hoặc tiến hành các hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
"Chúng tôi sẵn sàng tăng cường các lệnh trừng phạt và thực hiện các biện pháp hạn chế bổ sung đáng kể khác với Nga nếu như tình hình yêu cầu", tuyên bố chung của các nước G7 nêu rõ.
"Chúng ta không thể chứng kiến tình hình bất ổn thêm nữa tại Ukraine. Nếu chúng ta không đạt được tiến triển nào trong vấn đề này, chúng ta phải tính đến khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt, thậm chí là cứng rắn hơn lệnh trừng phạt giai đoạn ba", Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel, đề cập đến các biện pháp hạn chế về thương mại, tài chính và năng lượng.
Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từng áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của nhiều quan chức Nga, để phản đối việc Nga sáp nhập Crimea.
Lãnh đạo G7 đồng thời yêu cầu Nga công nhận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine hôm 25/5, mà ông trùm chocolate Petro Poroshenko đã giành thắng lợi với số phiếu quá bán.
"Chúng tôi yêu cầu Liên bang Nga công nhận kết quả bầu cử, hoàn thành việc rút quân ra khỏi khu vực biên giới với Ukraine, dừng các hoạt động đưa quân và vận chuyển vũ khí qua biên giới, thể hiện tầm ảnh hưởng và yêu cầu các tay súng ly khai hạ vũ khí, đồng thời từ bỏ bạo lực", tuyên bố nhấn mạnh.
Tại buổi họp, lãnh đạo G7 kêu gọi Nga thực hiện các cam kết trong Hiệp định Geneva về vấn đề Ukraine, và hợp tác với chính quyền Ukraine trong các kế hoạch của nước này, nhằm thúc đẩy hòa bình, thống nhất và cải cách.
Cuộc họp thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hôm 4/6 bắt đầu họp tại Brussels, Bỉ thay vì ở Sochi, Nga. Đây là lần đầu tiên Nga không tham gia họp thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển kể từ khi gia nhập vào năm 1997. Quyết định này được đưa ra hồi tháng 3, sau khi Nga sáp nhập Crimea trước sự phản đối của các nước phương Tây.
Thùy Linh