Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Litva Linan Linkevicius viết trên Twiter cá nhân cho biết EU đồng ý áp dụng lệnh trừng phạt bao gồm cấm đi lại, đồng thời đóng băng tài sản của 21 quan chức của Nga và Ukraine.
Ông nói thêm rằng các biện pháp bổ sung sẽ được áp đặt trong vài ngày tới, sau cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo của EU ở Brussels, Bỉ. Họ dự định mở rộng danh sách đen, có thể bao gồm các quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó, EU cảnh báo Nga sẽ phải đối diện với một cuộc chiến tranh lạnh mới cùng với sự phong tỏa kinh tế "sâu rộng" nếu ông Putin chấp thuận đơn xin sáp nhập của Crimea.
"Hội đồng (Bộ trưởng Ngoại giao các nước châu Âu) kêu gọi Liên bang Nga không sáp nhập Crimea một cách vi phạm luật pháp quốc tế", Telegraph dẫn dự thảo văn bản ngoại giao của EU cho hay. Dự thảo trên còn cảnh báo EU sẽ có những biện pháp trừng phạt thương mại và kinh tế dài hạn đối với Nga, tương tự như quốc tế từng phong tỏa Iran, khiến nền kinh tế nước này bị tàn phá.
Theo dự thảo, bất kỳ động thái nào của Liên bang Nga khiến tình hình Ukraine thêm bất ổn sẽ dẫn đến các biện pháp bổ sung và hậu quả sâu rộng cho các mối quan hệ kinh tế giữa một bên là EU cùng các quốc gia thành viên và một bên là Liên bang Nga.
Các Bộ trưởng Ngoại giao EU đang có cuộc gặp tại Brussels trong bối cảnh nghị viện Crimea hôm nay chính thức tuyên bố độc lập khỏi Ukraine, đồng thời đệ đơn xin được sáp nhập vào Liên bang Nga.
Crimea hôm qua tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc bán đảo này sáp nhập vào Nga hay vẫn là một phần của Ukraine. Kết quả cuộc trưng cầu cho thấy 96,77% số người bỏ phiếu chọn tách khỏi Ukraine và đi theo Nga. Cuộc trưng cầu gây tranh cãi chỉ được Moscow công nhận, trong khi Mỹ cùng nhiều quốc gia phương Tây phản đối gay gắt.
Tổng thống Nga Putin tuyên bố người dân ở Crimea, nơi đã là quân cảng của Hạm đội Biển Đen kể từ thế kỷ 18 và mới được chuyển cho Ukraine vào năm 1954, có quyền tự quyết định vận mệnh của họ.
Như Tâm