Đối thoại an ninh thường niên Shangri-La lần thứ 16 được tổ chức tại khách sạn Shangri-La, Singapore, từ ngày 2 đến 4/6, theo Strait Times. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sẽ phát biểu khai mạc Shangri-La năm nay.
Shangri-La lần thứ 16 có sự tham gia của khoảng 50 quốc gia, trong đó có bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Philippines, theo Diplomat. Những nước khác cử phái đoàn đại diện. Trung Quốc cử Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Quân sự, dẫn đầu đoàn đại biểu nước này dự đối thoại.
Các phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ xem xét vai trò của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng, xử lý khủng hoảng trong khu vực và các chủ đề khác. Ngoài ra, hội nghị còn có các phiên đặc biệt về sự nguy hiểm của hạt nhân, công nghệ mới nổi, tránh xung đột trên biển.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được kỳ vọng sẽ tuyên bố tiếp tục chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông và hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài.
"Tôi tin phái đoàn Mỹ sẽ có thông điệp mạnh mẽ về Biển Đông", Alexander Neill, chuyên gia cao cấp của Đối thoại Shangri-La, trả lời VnExpress. Ông cho rằng Bộ trưởng Mattis sẽ đề cập đến các biện pháp Mỹ sẽ áp dụng ở Biển Đông.
Bà Bonnie Glaser, học giả kỳ cựu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), cho rằng ông Mattis sẽ đề cập tới cả vấn đề Triều Tiên.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây gia tăng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trung Quốc cho rằng cân bằng chiến lược và an ninh khu vực bị xói mòn nghiêm trọng do Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Hàn Quốc để đối phó Triều Tiên.
Laurent Sinclair, nhà nghiên cứu các vấn đề Thái Bình Dương tại Nhật Bản, nói cách duy nhất để có tiến triển liên quan đến những rắc rối khu vực đang đối mặt là tăng cường ngoại giao.
"Tôi nghĩ đó là điều những bên liên quan thực sự muốn. Đối thoại đa phương rất quan trọng trong hạ nhiệt căng thẳng khu vực", Xinhua dẫn lời Sinclair cho biết.
Wang Jiangyu, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý châu Á, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định Mỹ, dưới thời Donald Trump, mang đến cảm giác không chắc chắn do Washington chưa nêu rõ chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Được tổ chức từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh liên chính phủ, thảo luận và phân tích về các mối quan ngại an ninh và quốc phòng trong và ngoài khu vực.
Như Tâm