- 21/11/2013: Chính quyền Ukraine hoãn các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu nhằm ưu tiên thắt chặt quan hệ kinh tế với Nga, khiến các nhóm đối lập ủng hộ châu Âu phản đối và kêu gọi biểu tình.
- 1/12/2013: Khoảng 500.000 người biểu tình bắt đầu tập trung ở quảng trường Độc lập tại thủ đô Kiev, dựng trại và xây các rào chắn.
- 11/12/2013: Lực lương an ninh buộc phải rút lui khi tổ chức trấn áp người biểu tình.
- 17/12/2013: Tổng thống Viktor Yanukovych sang Moscow, nơi ông đạt được gói hỗ trợ kinh tế trị giá 15 tỷ USD. Nga đồng ý giảm mạnh giá gas bán cho Ukraine nhàm hỗ trợ nền kinh tế láng giềng.
- 19/1/2014: Hàng chục người bị thương trong các cuộc biểu tình đẫm máu giữa cảnh sát và phe chống chính phủ ở Kiev, sau khi 200.000 người phản đối những quy định hạn chế đối với phong trào biểu tình.
- 22/1: Làn sóng biểu tình tiếp tục diễn ra. Cảnh sát phá vỡ các rào chắn ở trung tâm Kiev. Người biểu tình tấn công lực lượng an ninh bằng đá và bom xăng, nhưng bị đáp trả bằng hơi cay, lựu đạn gây choáng và đạn cao su.
- 28/1: Thủ tướng Mykola Azarov từ chức, quốc hội hủy luật chống biểu tình.
- 2/2: Các lãnh đạo phe đối lập kêu gọi phương tây hỗ trợ tài chính và hóa giải mâu thuẫn ở Ukraine, trước hơn 60.000 người biểu tình ở Kiev.
- 7/2: Tổng thống Yanukovych gặp đồng minh, Tổng thống Nga Vladimir Putin, bên lề lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Mùa đông ở thành phố Sochi.
- 16/2: Người biểu tình rút khỏi tòa thị chính Kiev, sau khi chiếm giữ tòa nhà từ hôm 1/12, và các tòa nhà công khác trong nước. Những người biểu tình bị bắt được ân xá vào ngày hôm sau. Hàng chục nghìn người tập trung trên quảng trường Độc lập.
- 18/2: Bạo lực nổ ra khi 20.000 người biểu tình ủng tuần hành từ quảng trường Độc lập đến trụ sở quốc hội, yêu cầu ông Yanukovych phải bị tước bỏ những quyền hạn quan trọng.
Kiev đóng cửa hệ thống tàu điện ngầm và hạn chế giao thông khi người biểu tình tái chiếm tòa thị chính. Cảnh sát chống bạo động phá hàng rào chắn nhưng hàng nghìn người biểu tình từ chối rời khỏi quảng trường Độc lập, đồng thời dùng gạch đá, pháo hoa và bom xăng để đáp trả.
Bất ổn lan rộng đến cả phía tây Ukraine, nơi các tòa nhà của chính quyền cũng bị người biểu tình tấn công.
- 19/2: Tổng thống Yanukovych thay thế người đứng đầu lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh tuyên bố chiến dịch "chống khủng bố".
- 20/2: Người biểu tình tấn công cảnh sát ở Kiev, phá vỡ một thỏa thuận ngừng bắn mà ông Yanukovych đưa ra và tái chiếm quảng trường Độc lập. Lực lượng an ninh nã đạn vào người biểu tình. Đội ngũ y tế phe đối lập cho biết 60 người đã bị bắn chết trong ngày hôm đó.
Các ngoại trưởng của Pháp, Đức và Ba Lan cùng một đại sứ của Nga nhóm họp khẩn cấp. Liên minh châu Âu nhất trí trừng phạt giới chức Ukraine.
- 21/2: Tổng thống Yanukovych và phe đối lập cho biết đã đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng. Ông Yanukovych cho hay sẽ tổ chức bầu cử tổng thống sớm, tiến hành cải cách hiến pháp và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Quốc hội Ukraine bỏ phiếu tái sinh hiến pháp 2004, giới hạn quyền lực của tổng thống.
- 22/2: Quốc hội Ukraine bỏ phiếu bầu nhất trí trả tự cho ngay lập tức cho lãnh đạo hàng đầu phe đối lập, bà Yulia Tymoshenko, người đang chịu án tù 7 năm vì tội lạm dụng quyền lực. Bà đã vẫy chào những người ủng hộ khi rời khỏi bệnh viện của nhà tù và tuyên bố "chế độ độc tài đã sụp đổ".
Ông Yanukovych tuyên bố quyết không từ chức ghế tổng thống và lên án người biểu tình tổ chức "đảo chính". Quân đội Ukraine loại trừ khả năng tham gia vào khủng hoảng trong nước.
Quốc hội Ukraine nhất trí tổ chức bầu cử tổng thống sớm vào ngày 25/5 tới, thông qua một nghị quyết tuyên bố rằng ông Yanukovych đã không hoàn thành trách nhiệm trên cương vị tổng thống. Cả văn phòng tổng thống và dinh thự sang trọng của ông Yanukovych ở ngoại ô Kiev đều bị người biểu tình chiếm giữ.
Bà Tymoshenko nhận được sự chào đón nồng nhiệt khi xuất hiện trên quảng trường Độc lập, tâm điểm của làn sóng biểu tình và bạo lực suốt ba tháng qua khiến hơn 100 người chết và 500 người bị thương.
Anh Ngọc (theo AFP)