Tuyên bố trên được Prayuth Chan-ocha thông báo trên truyền hình, sau khi cuộc gặp giữa các phe phái chính trị đối lập nhằm tìm giải pháp cho các cuộc biểu tình chống Chính phủ kéo dài ở nước này suốt 6 tháng qua bị thất bại. Theo đó, quân đội sẽ thiết lập trật tự và thúc đẩy cải cách đất nước, Reuters cho hay.
"Để tình hình đất nước trở lại bình thường một cách nhanh chóng, thiết lập xã hội hòa bình, cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, quân đội cần nắm quyền kiểm soát", Prayuth nói.
Tướng Prayuth nhấn mạnh, mọi người dân Thái Lan cần bình tĩnh, các quan chức Chính phủ vẫn phải làm việc như bình thường. Ông cũng cho biết việc đảo chính sẽ không ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa Thái Lan với các nước.
Người phát ngôn của quân đội Thái Lan cho biết, lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt toàn quốc từ 20h đến 5h.
"Chúng tôi sẽ triển khai binh lính và phương tiện để đưa người biểu tình ra khỏi tất cả các khu vực tập trung", Teerachai Nakwanit, chỉ huy quân đội khu vực 1, cho hay.
Trước tuyên bố trên, lãnh đạo phe áo đỏ cho biết, họ sẽ tiếp tục các hoạt động biểu tình ở các khu vực ngoại ô thủ đô Bangkok, bất chấp việc quân đội tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát chính phủ.
"Các bạn sẽ chiến đấu hay không chiến đấu. Chúng tôi sẽ không đi đâu hết. Đừng lo sợ vì chúng tôi đã dự liệu điều này. Điều gì đến sẽ đến", thủ lĩnh phe áo đỏ Jatuporn Prompan cho hay.
Trước thời điểm ông Prayut tuyên bố đảo chính, các nhân chứng cho biết nhìn thấy các lãnh đạo của hai chính đảng Thái Lan và những người biểu tình được người của quân đội dẫn đi, từ địa điểm họ được triệu tập về giải quyết các bất đồng giữa hai bên.
Cuộc khủng hoảng là diễn biến mới nhất trong thời gian dài diễn ra các cuộc đối đầu giữa những người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và phe bảo hoàng. Các quan chức Chính phủ hiện chưa đưa ra bình luận nào sau tuyên bố đảo chính.
Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại việc quân đội đảo chính có thể khiến tình hình trở nên hỗn loạn hơn.
"Đảo chính không phải là giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng mà chính nó sẽ trở thành khủng hoảng", Pavin Chachavalpongpun, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Tokyo, nói. "Nó cho thấy quân đội vẫn chưa học được bài học của năm 2006", ông nói thêm và nhắc đến cuộc khủng hoảng chính trị và lật đổ ông Thaksin Shinawatra.
Chuyên gia này cũng nói rằng cuộc đảo chính sẽ khiến những người biểu tình chống chính phủ "rất vui mừng". Cuộc biểu tình phản đối chính quyền của ông Thaksin 8 năm trước cũng khéo dài trong nhiều tháng và khiến 28 người chết, hàng trăm người bị thương.
"Tư lệnh quân đội dường như phải hành động vì chính phủ kế nhiệm vốn yếu thế nhưng lại từ chối nhường chỗ cho một chính quyền lâm thời", ông Paul Chambers thuộc Viện Quan hệ Đông Nam Á của Đại học Chiang Mai cho hay.
"Vì chính phủ thay thế từ chối chuyển giao cho một thủ tướng đặc biệt, ông Prayut bị áp lực để làm điều tương tự như năm 2006", ông Chambers nói.
Prayut, một người thuộc phe bảo hoàng và nghiêng về phía chống Thaksin, trước đó từng tuyên bố sẽ không để Thái Lan trở thành một Ukraine hoặc Ai Cập thứ hai. "Những điều tôi làm nằm trong nghĩa vụ an ninh của tôi. Nếu tôi làm ai đó thất vọng thì tôi xin lỗi nhưng điều đó là cần thiết", ông phát biểu hôm nay trước khi tuyên bố đảo chính.
Nền dân chủ Thái Lan từng chứng kiến 19 cuộc đảo chính hoặc nỗ lực đảo chính của quân đội từ năm 1932. Lệnh thiết quân luật của nước này cho phép quân đội có quyền hạn lớn trong việc ban hành lệnh cấm tụ tập, hạn chế đi lại và bắt giữ người.
Thùy Linh