Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến London để hội đàm cùng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, với hy vọng ngăn cản hoặc trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý về số phận của Crimea dự kiến diễn ra vào ngày mai.
Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết ông Lavrov đã tuyên bố rõ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào về Ukraine cho đến khi cuộc trưng cần dân ý diễn ra.
Ông Kerry cảnh báo Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý của Crimea và sẽ phản đối nếu Quốc hội Nga phê chuẩn, đồng thời nhấn mạnh hành động này sẽ kéo theo một lệnh trừng phạt và nguy cơ căng thẳng Đông - Tây lớn nhất kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
"Chúng tôi không có điểm chung trên vấn đề này", Ngoại trưởng Lavrov cho hay. Ông cũng tiếp tục khẳng định Nga sẽ "tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý" ở Crimea và rằng các biện pháp trừng phạt sẽ phản tác dụng và gây phương hại đến quan hệ của Moscow với các nước.
Ông Lavrov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Crimea đối với Nga. "Mọi người đều hiểu và tôi cũng rất có trách nhiệm khi nói Crimea có ý nghĩa như thế nào với Nga. Điều này rõ ràng hơn cả tầm quan trọng của Comoros đối với Pháp và Falklands với Anh".
Comoros vốn là thuộc địa của Pháp tại châu Phi và Falklands/Malvinas là quần đảo phía nam Đại Tây Dương. Năm 1982, chiến tranh bùng phát giữa Anh và Argentina nhằm tranh đoạt quần đảo này.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết ông rất thất vọng trước sự thất bại của cuộc đàm phán, đồng thời kêu gọi cần có những "biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn".
Anders Fogh Rasmussen, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho biết "cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý sẽ làm suy yếu những nỗ lực quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình và chính trị".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm qua cũng có cuộc điệm đàm với Tổng thống Putin. Ông Ban cho biết giải pháp thông qua đàm phán vẫn hoàn toàn có khả năng, mặc dù "đang ở ngã ba đường".
Hôm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ có cuộc họp khẩn cấp do Mỹ yêu cầu, để bỏ phiếu cho một nghị quyết được phương Tây hậu thuẫn. Nội dung của nghị quyết được cho là lên án cuộc trưng cần dân ý sắp diễn ra tại Crimea.
Theo nhận định của các nhà ngoại giao phương Tây, Nga sẽ bỏ phiếu phủ quyết, còn ý định của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Bắc Kinh từng ba lần cùng Moscow bỏ phiếu phủ quyết nhằm ngăn cản lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Syria.
Tòa án Hiến pháp Ukraine hôm qua ra tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Cộng hòa tự trị Crimea về sáp nhập vào Nga là vi hiến. Theo luật pháp Ukraine, quyết định của Tòa án Hiến pháp là bắt buộc phải thực thi và không thể kháng cáo.
Đức Dương