"Phái đoàn Mỹ tại Việt Nam không thể đưa ra bình luận về các trường hợp cụ thể về visa do những vấn đề bảo mật cá nhân. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nói rõ để mọi người không hiểu sai về luật visa và các quy định", bà Lisa Wishman, tùy viên báo chí Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam trao đổi với VnExpress.
Theo bà Wishman, phần lớn các visa không nhập cư đều dùng cho các chuyến đi ngắn hạn, như là du lịch hoặc các chuyến công tác. Có những loại visa không nhập cư khác cho phép một người được vào Mỹ để làm việc ngắn hạn, như là ca sĩ biểu diễn trong một buổi trình diễn.
Để cấp cho một người visa làm việc ngắn hạn, Cơ quan quản lý Công dân và nhập cư thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ và Bộ Lao động Mỹ cần phải xem xét thủ tục. Đơn xin làm việc (Petition, gọi tắt là P) có ngày hạn, cho thấy công việc bắt đầu và kết thúc khi nào - tức thời gian dự kiến hoàn thành hay P và visa sẽ không còn hạn.
Những người xin P (bên thuê lao động) thường là các công ty hoặc tổ chức Mỹ, phải nói rõ khung thời gian của hoạt động này, xác định công việc kéo dài bao lâu. Người làm việc tạm thời (bên được thuê) chỉ có thể vào Mỹ bằng cách trình ra visa làm việc còn thời hạn tương ứng với công việc được nêu trong P do bên thuê lao động ở Mỹ trình lên và P còn hiệu lực. Thời hạn của P được đề trên visa.
"Thời hạn của visa và Thời hạn của P (PED - Petition Expiration Date) có thể khác nhau do P chỉ kéo dài trong thời gian mà bên thuê lao động đã trình báo rằng họ cần người làm thuê", bà Wishman cho biết.
Trước đó, đêm 29/6, nghệ sĩ Trấn Thành cùng nhiều nghệ sĩ Việt bay từ TP HCM đến Mỹ để bắt đầu một chuyến lưu diễn. Tuy vậy, sáng 1/7, diễn viên hài bị từ chối nhập cảnh tại sân bay Houston dù anh có đến hai visa. Anh đã phải lưu lại khoảng 24 giờ đồng hồ tại khu vực ở sân bay dành riêng cho người có vấn đề về visa.
Trấn Thành có 2 visa, một là dạng P3 do công ty bầu show Liên Phạm làm giúp và một là O1 do Trung tâm Thúy Nga làm giúp để phục vụ biểu diễn cho 2 công ty này. Lần này, nam MC sang biểu diễn cho show của bà Liên Phạm.
Trấn Thành cho biết trước đây công ty của bà Liên Phạm từng đứng ra bảo lãnh cho anh xin visa đi Mỹ với thời hạn là một năm (2014 - 2015). Lần này, thời hạn cũng tương tự (9/2015 - 9/2016) nhưng trên visa của nam nghệ sĩ hài lại xuất hiện thêm một dòng chữ ghi: "PED:24October2015" (thời hạn làm việc đến ngày 24/10/2015).
Bà Wishman lý giải visa không nhập cư loại P3 chỉ có thể được cấp cho những người xin có Đơn xin P được phê chuẩn. Những người là bên thuê phải nói rõ khung thời gian của hoạt động này. Bên cạnh đó, một người làm việc tạm thời chỉ có thể vào Mỹ bằng cách trình visa làm việc tương thích với công việc được nêu trong Đơn xin (P) làm bên thuê lao động nộp lên nhà chức trách Mỹ, cùng với thời hạn làm việc (PED) vẫn còn.
Đại diện Đại sứ quán Mỹ khẳng định Phái đoàn Mỹ tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các cá nhân giải quyết các yêu cầu visa của họ và nỗ lực đảm bảo đúng hạn.
"Một trong những nhiệm vụ chính của chúng tôi là thúc đẩy trao đổi văn hóa và đi lại chính đáng giữa Mỹ và Việt Nam. Các văn phòng lãnh sự của phái đoàn Mỹ tại Việt Nam cung cấp các nguồn thông tin trên mạng để hỗ trợ những người xin visa không nhập cư, cùng luật nhập cư và các quy định liên quan", bà Wishman nói.
Đề cập tới câu hỏi vì sao Trấn Thành vẫn được phép xuất cảnh khỏi Việt Nam, tùy viên báo chí Mỹ cho rằng vấn đề này thuộc quản lý của các quan chức hải quan và hàng không Việt Nam.
Những cá nhân quan tâm có thể xem thêm quy định làm việc tạm thời trên website https://travel.state.gov/content/visas/en/employment/temporary.html. Loại P3 dành cho nghệ sĩ hoặc người làm trong lĩnh vực giải trí (cá nhân hoặc tổ chức) ở https://www.uscis.gov/working-united-states/temporary-workers/p-3-artist-or-entertainer-part-culturally-unique-program/p-3-artist-or-entertainer-coming-be-part-culturally-unique-program. Thông tin về quy trình làm việc tạm thời cho visa không nhập cư O1 có tại https://www.uscis.gov/working-united-states/temporary-workers/o-1-visa-individuals-extraordinary-ability-or-achievement. |
Việt Anh