Việt Nam và Mỹ đang hướng tới nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm tới, trong bối cảnh các mối liên kết giữa hai bên ngày càng chặt chẽ. Ba năm qua, quãng thời gian Đại sứ Mỹ David Shear đảm nhận trọng trách tại Việt Nam, quan hệ hai nước có những bước tiến đáng kể.
Cột mốc đáng chú ý nhất trong quan hệ song phương ba năm qua là vào tháng 7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Sự kiện này là động lực thúc đẩy mối quan hệ song phương, xây dựng cơ chế tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, mà nổi bật là kinh tế thương mại và đầu tư, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo.
Hai nước vẫn thường trao đổi chuyến thăm cấp cao, như chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Mỹ năm 2013; Ngoại trưởng Hillary Clinton, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đến thăm Việt Nam.
Về an ninh, quốc phòng, hai nước ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương vào tháng 9/2011. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi tháng 6/2012 tới cảng Cam Ranh, Nha Trang, trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất đến đây kể từ khi chiến tranh kết thúc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry năm ngoái công bố khoản viện trợ mới lên tới 18 triệu USD, nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực cho các đơn vị tuần tra ven biển.
Nhiều tàu chiến Mỹ đã cập cảng Việt Nam như một phần trong hợp tác quân sự, trong đó có các khu trục hạm USS John S. McCain, hay soái hạm của Hạm đội 7 USS Blue Ridge, các tàu cứu hộ, y tế. Hợp tác hải quân Việt - Mỹ được cụ thể hơn khi hai nước bắt đầu tham gia diễn tập chung. Cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng hồi tháng 4 năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên hải quân hai nước cùng diễn tập.
Về tình hình Biển Đông, dù không phải là bên trực tiếp liên quan, Mỹ nhiều lần nhắc lại tuyên bố tự do hàng hải ở Biển Đông nằm trong tổng thể lợi ích kinh tế, và địa chính trị của Mỹ. Washington kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đa phương, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Khi Trung Quốc hồi tháng 5 hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc thềm lục địa và quyền chủ quyền của Việt Nam, nhiều quan chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại. Thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích Bắc Kinh "hành động đơn phương thay đổi hiện trạng", trong khi Ngoại trưởng John Kerry cho đây là sự khiêu khích. Thượng viện Mỹ tháng trước thông qua một nghị quyết về an ninh các vùng biển Thái bình dương, trong đó yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan, trả mọi việc trở về nguyên trạng trước ngày 1/5.
Khả năng Mỹ bán hoặc chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam đang dần trở nên hiện thực hơn khi nhiều tiếng nói trong Quốc hội, chính phủ Mỹ thể hiện sự ủng hộ. Dự thảo nghị quyết của các hạ nghị sĩ Randy Forbes, Colleen Hanabusa hay tuyên bố của ông Ted Osius, người có khả năng sẽ trở thành tân đại sứ Mỹ ở Việt Nam, đều nhắc đến khả năng này.
Khi mới nhậm chức đại sứ tại Việt Nam, ông Shear cho biết một trong những ưu tiên quan trọng nhất của ông là phát triển hợp tác kinh tế song phương và nỗ lực để tăng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, thương mại hai chiều tăng từ khoảng 21 tỷ trong năm 2011 lên gần 30 tỷ trong năm ngoái, tức là hơn 40% . Khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, kim ngạch buôn bán chỉ là gần nửa tỷ USD.
Tính đến hết tháng 7/2014, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 15,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai bên cũng đang tham gia quá trình hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với tổng vốn đầu tư trực tiếp lên tới 11 tỷ USD, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 ở Việt Nam. Các công ty Mỹ đang thu hút thêm nhiều khách hàng và hợp đồng mới, vừa đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, lần đầu tiên vào năm ngoái, một công ty tư nhân Việt Nam cam kết đầu tư sản xuất ở bang Arkansas. Mỹ hiện áp dụng luật về đầu tư để nhận thẻ xanh, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút sự quan tâm của ngày càng nhiều doanh nhân Việt Nam.
Trên lĩnh vực giáo dục, hiện có khoảng 16.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, tốc độ du học sinh tăng đều hàng năm. Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong số các nước có đông du học sinh tới Mỹ. Chính phủ Mỹ hàng năm vẫn tiếp tục cung cấp các học bổng như Fulbright, VEF cho các công dân Việt Nam.
Đại sứ Shear tuần này kết thúc nhiệm kỳ của ông tại Việt Nam, sau ba năm gắn bó. Nếu được Thượng viện Mỹ thông qua, ông sẽ giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông khẳng định trên cương vị công tác mới sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Ông sẽ trả lời phỏng vấn của độc giả VnExpress vào 15h ngày 7/8. Mời các bạn đặt câu hỏi Đại sứ Shear tại đây.
Trọng Giáp