Ông Bahram Ghasemi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, hôm nay xác nhận đại sứ nước này tại Kuwait không về nước, hãng tin IRNA cho biết.
Tuyên bố này đã bác bỏ yêu cầu của Kuwait rằng "đại sứ Iran Alireza Enayati phải rời đi trong vòng 48 ngày", kể từ 20/7.
Chính phủ Kuwait đã ra lệnh trục xuất 15 nhà ngoại giao Iran và dừng các phái đoàn "quân sự, văn hóa và thương mại". Quyết định được đưa ra sau khi tòa án tối cao Kuwait tuyên án tù chung thân đối với kẻ đứng đầu "nhóm khủng bố", cùng án tù có thời hạn với 20 người vì có liên hệ với Iran, lực lượng Hezbollah ở Lebanon và âm mưu tấn công Kuwait.
Iran bày tỏ sự thất vọng về động thái của Kuwait, cho rằng "hành động đó không đẹp, nhưng chúng tôi vẫn có thể duy trì trao đổi và tiếp xúc", theo ông Ghasemi.
Kuwait đã cắt giảm hiện diện ngoại giao ở Tehran năm ngoái sau khi đồng minh Arab Saudi có hành động tương tự với Iran, chỉ giữ lại đại biện và hai quan chức.
Ông Sheikh Mohammad al-Mubarak al-Sabah, Quyền bộ trưởng thông tin Kuwait, cho biết việc nước này yêu cầu các nhà ngoại giao Iran rời đi là "tuân theo các quy tắc ngoại giao và các công ước Vienna về quan hệ với Iran".
Giới quan sát cho rằng việc Kuwait trục xuất nhà ngoại giao Iran là động thái "bất thường", vì nước này tránh xung đột và giữ quan hệ tốt với các nước trong khu vực.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh đang có cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn tại vùng Vịnh. Arab Saudi, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cắt quan hệ ngoại giao với Qatar từ ngày 5/6, cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và Iran. Qatar bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố không chấp nhận các điều kiện để nối lại quan hệ ngoại giao. Kuwait đóng vai trò trung gian giải quyết khủng hoảng nhưng chưa có tiến triển đáng kể.
Khánh Lynh