Ông Masao Yoshida, 58 tuổi, đã ở lại nhà máy điện hạt nhân vào ngày 11/3/2011, khi những con sóng cao ngút đánh vào hệ thống làm mát gây rò rỉ chất phóng xạ ra môi trường.
Ông chỉ huy các công nhân nỗ lực để có thể kiểm soát được tình hình ở nhà máy và chiến đấu với các cơn dư chấn sau đó để tránh tình hình có thể tồi tệ hơn.
Các kế hoạch của chính phủ tiết lộ sau này cho thấy các nhà khoa học lo ngại rằng sẽ xảy ra phản ứng dây chuyền nếu nhà máy Fukushima không được kiểm soát, khiến các nhà máy điện hạt nhân khác bị ảnh hưởng và phải sơ tán thủ đô Tokyo."Ông ấy qua đời vì ung thư vòm họng tại bệnh viện ở Tokyo", AFP dẫn lời người phát ngôn của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, thông báo hôm qua.
Ông Yoshida thôi làm việc tại nhà máy từ sau khi nhập viện cuối năm 2011. TEPCO cho biết bệnh ung thư của ông dường như không liên quan đến sự cố rò rỉ phóng xạ sau thảm họa. Công ty cho hay phải mất ít nhất 5 năm, bình thường là 10 năm, để phát bệnh nếu quả thực là việc rò rỉ phóng xạ là nguyên nhân.
Ngay sau khi trải qua ca phẫu thuật chữa ung thư, ông Yoshida lại bị xuất huyết não và phải trải qua một đợt phẫu thuật khác vào tháng 7/2012. Ông vẫn là thành viên của công ty cho đến khi qua đời, TEPCO nói.
Thảm họa động đất, sóng thần khiến 3 lò phản ứng trong nhà máy bị hỏng hóc, phóng xạ thoát ra không khí, đất và nước, gây nên vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.
Không có thương vong trực tiếp từ việc rò rỉ phóng xạ tuy nhiên nó khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán và nhiều vùng đất không thể ở được trong nhiều thập kỷ tới.
Vũ Hà