Đầu tuần này, ông Lưu gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông thế giới khi chi ra khoản tiền khổng lồ để sở hữu bức tranh của họa sĩ Italy Amedeo Modigliani.
Tỷ phú 52 tuổi là một trong 6 người tham gia phiên đấu giá bức tranh ở nhà cái Christie’s, New York. Mức giá 170,4 triệu USD cùng các khoản phí cao hơn nhiều so với kỷ lục đấu giá 70,7 triệu USD trước đó cho một tác phẩm của Modigliani.
Với thương vụ này của ông Lưu, Nu Couche trở thành bức tranh thứ 10 gia nhập vào câu lạc bộ các tác phẩm được bán đấu giá ở mức 9 con số.
Ông Lưu sinh năm 1963, trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động tại Thượng Hải. Lớn lên trong những năm đầy biến động của cuộc Cách mạng Văn hóa, ông kiếm sống bằng nghề bán túi xách trên đường phố sau đó làm tài xế taxi.
Sau khi bỏ học trung học, ông đi theo làn sóng mở cửa và cải cách kinh tế của Trung Quốc và dần dần gây dựng tài sản bằng việc bán cổ phiếu bất động sản và dược phẩm vào thập niên 80, 90.
Ông mua vào 100 cổ phiếu giá 100 nhân dân tệ/cổ phiếu, đến năm 1991, cổ phiếu tăng giá lên 10.000 nhân dân tệ, ông bán đi và kiếm lời gần 100.000 nhân dân tệ (17.500 USD). Cứ thế, tiền kiếm được, ông tái đầu tư mua cổ phiếu.
Theo bảng xếp hạng người giàu của tạp chí Trung Quốc Hurun năm 2013, tài sản của ông Lưu ước tính 1,6 tỷ USD, xếp thứ 134 ở Trung Quốc. Bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg 2015 cho hay tài sản của ông trị giá ít nhất 1,5 tỷ USD.
Ông Lưu có cổ phần tại hàng chục công ty lớn ở Trung Quốc, nhưng không tham gia quản lý, vì cho rằng "quản lý doanh nghiệp không phải sở trường của tôi".
Nhà sưu tập
Dấu ấn mà ông Lưu ghi lại trên truyền thông là nhờ vào việc chi mạnh tay cho sở thích sưu tập các tác phẩm nghệ thuật.
"Đối với tôi, sưu tầm tác phẩm nghệ thuật chủ yếu là một quá trình học hỏi về nghệ thuật", ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2013. "Ban đầu, bạn phải đam mê nghệ thuật, sau đó bạn mới có thể hiểu về nó".
Ông và vợ, bà Vương Vi, là một trong những nhà sưu tập tiếng tăm nhất Trung Quốc. Nhiều năm qua, đôi vợ chồng đã gây dựng được một bộ sưu tập lớn các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và đương đại của Trung Quốc. Chúng được trưng bày tại hai bảo tàng của họ ở Thượng Hải là Phố Đông, khai trương năm 2012, và Tây Bến Thượng Hải, khai trương năm ngoái. Bà Vương, 52 tuổi, là giám đốc của cả hai bảo tàng.
"Cách đây hai năm, tôi bắt đầu nảy ra ý tưởng rằng bảo tàng nên thu thập các tác phẩm quốc tế", bà Vương nói và cho biết công việc của bà rất được chồng ủng hộ.
Trong bộ sưu tập của đôi vợ chồng có bức trướng bằng lụa từ thế kỷ 15, gọi là thangka, được ông Lưu mua với giá 45 triệu USD tại cuộc đấu giá ở Hong Kong năm ngoái. Thương vụ này đã gây xôn xao khi thiết lập kỷ lục về giá cho một tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa được bán ra tại một cuộc đấu giá quốc tế.
Với việc mua bức trướng, ông Lưu cũng tự phá vỡ kỷ lục mà mình thiết lập vài tháng trước đó để mua một một chiếc chén sứ thời vua Thành Thái nhà Minh (1147-1487), in hình con gà, trị giá hơn 36 triệu USD. Ngay sau đó, ông gây tranh cãi với bức ảnh chụp mình đang uống trà bằng chiếc chén này.
Trong cả hai thương vụ, ông Lưu đều được cho là thanh toán bằng thẻ tín dụng American Express, giúp ông đạt được hàng triệu điểm thưởng.
Ông thừa nhận rằng mình không có kiến thức chuyên môn về cổ vật, "nhưng ưu điểm của tôi là nhiều tiền, vì thế, tôi phải phát huy ưu thế của mình".
"Tôi chỉ mua thứ đắt nhất", ông Lưu nói về quan điểm sưu tầm của mình. "Cổ phiếu có thể mua loại rẻ, nhưng tác phẩm nghệ thuật thì không thể".
Nhận xét về vợ chồng ông Lưu, Philip Tinari, giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Ullens ở Bắc Kinh, nói: "Có những nhà sưu tập nhiều tiền nên đạt được sở thích hoặc họ không cần phải thích vì họ mua mọi thứ trong tầm mắt. Họ không phân biệt nhiều, họ chỉ mua những thứ đắt nhất. Họ không phải là những người sành sỏi".
Nu Couche là tác phẩm đắt giá nhất trong bộ sưu tập của vợ chồng ông Lưu. Nhưng khi được hỏi liệu có định thanh toán bằng thẻ tín dụng nữa không, ông tỏ ra ngần ngừ. "Phương thức thanh toán sẽ diễn ra phù hợp với quy định của Christie’s", ông nói.
Ông cũng dự kiến đưa bức tranh về Thượng Hải để trưng bày.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch trưng bày nó nhân kỷ niệm 5 năm thành lập bảo tàng. Đây sẽ là cơ hội tốt để những người yêu hội họa Trung Quốc chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đẹp mà không phải đi xa, đó cũng là một trong những động lực chính khiến chúng tôi thành lập các bảo tàng", ông nói. "Các tác phẩm của Modigliani khá có giá trên thị trường. Tác phẩm này tương đối đẹp so với những bức tranh nude khác của ông. Chúng đã được một số bảo tàng hàng đầu thế giới trưng bày".
Anh Ngọc