Một bài xã luận đăng trên báo People's Daily của nhà nước Trung Quốc cho rằng "chó là bạn và cũng là thức ăn", đồng thời kêu gọi cả người ăn thịt chó lẫn người yêu chó bình tĩnh, thấu hiểu nhau.
Lễ hội ăn thịt chó với vải ở thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quý Châu, miền nam Trung Quốc để mừng ngày hạ chí đang kích động những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhà hoạt động vì quyền của động vật và người mê thịt chó. Thịt chó từ lâu được coi là đặc sản ở một số vùng của Trung Quốc, như tỉnh Quý Châu, nơi lễ hội ăn thịt chó có lịch sử hàng trăm năm.
Các nhà hoạt động cho biết thịt chó là một phần trong những bữa ăn hàng ngày ở đây, và ước tính 10.000 con bị giết thịt riêng trong dịp lễ hội. Thịt chó có khi được bán với giá lên tới 6 USD/kg. Những người yêu động vật ở Trung Quốc thì coi lễ hội là tàn nhẫn và phi đạo đức.
Báo của nhà nước Trung Quốc cho rằng những cuộc ẩu đả giữa người ăn thịt chó và người yêu chó là tình trạng đáng tiếc, nên tránh. Bài xã luận dẫn lại một loạt tác phẩm của nhà sư Hong Yi và người vẽ tranh hoạt họa Feng Zikai, trong đó những bài thơ và hình ảnh giúp thuyết phục mọi người không làm hại sinh vật sống. Các tác phẩm là một ví dụ để các nhà hoạt động thuyết phục những người ăn thịt chó một cách ôn hòa.
Tác giả cũng dẫn lại một câu chuyện thời thơ ấu, khi bác của ông quyết định chôn con chó của gia đình thay vì ăn thịt sau khi nó chết, dù gia đình họ lúc đó rất đói kém. Bác ông giải thích rằng con chó đã ở cùng gia đình lâu đến nỗi nó gần như là một con người.
Tuy nhiên không phải ai cũng chia sẻ ý kiến này về loài chó, tác giả nhấn mạnh. "Hành vi thực sự văn minh, tôn trọng đa dạng sinh học rồi sẽ được những người có ý kiến trái ngược yêu mến, bạn có nghĩ vậy không?", bài xã luận viết.
Global Times, báo tiếng Anh của People's Daily, giải thích rằng phần lớn trong xã hội Trung Quốc không thích ăn thịt chó, và tư tưởng phản đối ăn thịt chó ban đầu là sự ảnh hưởng của phương Tây. Nó lớn dần cùng xu thế giữ vật nuôi trong nhà tại những khu đô thị ở Trung Quốc.
Video: CNN làm phóng sự về lễ hội ăn thịt chó ở Trung Quốc
Trọng Giáp (Video: CNN)