Hơn 130 công ty Trung Quốc tham gia vào hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trên, tổ chức Ân xá Quốc tế AI cho biết trong một báo cáo mới đây. Việc này được cho là đang "tiếp thêm dầu vào lửa" với các vụ bạo hành ở châu Phi và châu Á.
Một số mặt hàng xuất ngoại thực chất mang tính tàn bạo và nên bị cấm, báo cáo trên cho biết thêm. Nhiều sản phẩm khác được bán sang các nước với nguy cơ chúng sẽ được dùng cho những vụ vi phạm tống giam.
"Trong khi một vài mặt hàng xuất khẩu được dùng để thực thi pháp luật chính đáng thì Trung Quốc cũng bán nhiều dụng cụ có ảnh hưởng phi nhân tính hoặc đặt ra nguy cơ vi phạm nhân quyền bởi nhiều tổ chức thực thi pháp luật nước ngoài", báo cáo nhấn mạnh.
Năm ngoái, tòa án tối cao Trung Quốc đã cấm hình thức tra tấn nhưng các nhà hoạt động chiến dịch cho rằng việc bức cung tình nghi bằng nhục hình vẫn phổ biến.
Theo AI, Trung Quốc là quốc gia duy nhất được biết đến trong việc sản xuất dùi cui kim loại, dụng cụ được "thiết kế đăc biệt cho việc tra tấn". 7 công ty của nước này đang quảng cáo các mặt hàng trên, trong khi 29 đơn vị khác bán dùi cui điện.
"Những dụng cụ đó giúp nhân viên an ninh dễ dàng gây ra đau đớn tại nhiều vùng nhạy cảm trên cơ thể như cổ họng, tai, háng, bộ phận sinh dục mà không để lại dấu vết lâu dài trên cơ thể", BBC trích thông cáo của AI viết.
Không ít công cụ được quảng cáo là "thiết bị kiềm chế sự bạo hành" bao gồm còng chân nặng trịch hay ghế được thiết kế đặc biệt được xuất sang Senegal, Ai Cập, Ghana, Campuchia và Nepal. Một hãng của nước này bán còng ngón tay, súng điện, dùi cui tiết lộ có thị trường ở hơn 40 quốc gia châu Phi.
Cách đây 10 năm, chỉ có 28 công ty Trung Quốc tham gia vào hoạt động thương mại này.
"Hệ thống xuất khẩu có nhiều kẽ hở của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho việc buôn bán trong lĩnh vực tra tấn và đàn áp phát triển thịnh vượng", BBC dẫn lời Patrick Wilcken, nhà nghiên cứu về nhân quyền và an ninh thương mại của AI, nói.
Trung Quốc nên "thay đổi một cách cơ bản những quy định thương mại nhằm chấm dứt việc chuyển giao vô trách nhiệm thiết bị trấn áp pháp luật cho các tổ chức dùng chúng để vi phạm nhân quyền".
Bình Minh