Kinh tế Việt Nam phát triển liên tục và mạnh mẽ, duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 6,15% kể từ năm 2000.
Đô thị hóa cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu trở thành lực đẩy của nền kinh tế và tạo ra các cơ hội thương mại mới. Một nửa dân số Việt Nam có cơ hội tiếp cận mạng Internet và hơn 1/3 sở hữu điện thoại thông minh.
Trong bối cảnh phải cạnh tranh với Singapore, Hong Kong và các ngôi sao khác ở khu vực, với nguồn nhân nguồn nhân lực địa phương dồi dào, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, Channel News Asia đưa tin.
TP HCM - viên ngọc quý của Việt Nam
TP HCM được coi là động lực thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng. Không chỉ là thành phố lớn nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng trung bình 8,5%/năm, trung tâm kinh tế ở phía nam đã có những bước chuyển mình vượt bậc trong 10 năm qua.
Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng thay da đổi thịt nhanh chóng để đáp ứng sự lớn mạnh của kinh tế. Các quận tài chính mọc lên như nấm, thành phố mở rộng ra hướng sông, các dự án xây dựng sân bay, tàu điện ngầm đang nhanh chóng được hiện thực hóa nhằm kết nối ngoại thành với khu trung tâm.
Khi Việt Nam tập trung phát triển ngành công nghiệp phần mềm, TP HCM trở thành "lồng ấp" các doanh nghiệp khởi nghiệp start-up. Phần lớn trong số hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đều tập trung tại thành phố 10 triệu dân này.
Kỳ vọng TP HCM sẽ trở thành trung tâm công nghệ của cả nước, chính phủ đã đầu tư vào một dự án mang tên Thành phố Silicon, lấy theo tên của Thung lũng Silicion ở bang California, Mỹ, với tổng mức vốn lên tới 1,5 tỷ USD.
Vào tháng 5/2016, 500 Startups, quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ, đã thành lập quỹ 10 triệu USD để rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam. Nối gót 500 Startups, các công ty đầu tư mạo hiểm như CyberAgent, Ventures và SeedCom cũng đang hoạt động rất tích cực.
Làm thế nào để TP HCM đạt được thành công như ngày nay? Và điều gì lý giải cho sự phát triển phi thường của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại thành phố này?
Nhân lực trẻ, tham vọng và có học vấn
Trong vòng 10 năm qua, hàng nghìn doanh nhân trẻ và tham vọng ở Việt Nam đã chuyển đến trung tâm kinh tế tài chính phía nam để khởi nghiệp. Trong số đó, có nhiều công ty công nghệ chuyên phát triển nền tảng cho thương mại trực tuyến, thiết kế các ứng dụng và trò chơi trên các thiết bị điện tử.
Các quán cafe và không gian làm việc chung mở ra khắp nơi trong thành phố để đáp ứng nhu cầu kết nối và làm việc của những người trẻ khởi nghiệp.
Việt Nam bắt đầu có những bước đi để tạo ra môi trường thuận lợi cho các start-up. Chính phủ cam kết hỗ trợ 90 triệu USD cho hơn 2.000 start-up công nghệ cao trong nước, đồng thời lên kế hoạch thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để cung cấp các chương trình đào tạo, tư vấn pháp luật và các hoạt động nhằm kết nối các start-up với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu.
Nhưng điểm mấu chốt quyết định sự phát triển của môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam là chất lượng nhân lực. Các chuyên gia nước ngoài nhận xét lao động Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế, ngày càng được giáo dục tốt, năng động và hiểu biết về công nghệ.
Giáo dục tiếp tục chiếm 20% tổng chi tiêu của chính phủ. Các con số đã chứng minh cam kết của các nhà lãnh đạo đất nước nhằm cải thiện chất lượng đào tạo chuyên môn và năng lực của lực lượng lao động.
Tỷ lệ biết chữ của người dân Việt Nam ở mức 94,5%. Kết quả kỳ thi PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 17 trong số 65 quốc gia. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là cuộc khảo sát do OECD thực hiện ba năm một lần để đánh giá hệ thống giáo dục trên toàn thế giới thông qua việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi.
Trong những năm gần đây, sinh viên các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đạt điểm rất cao trong các bài kiểm tra chuẩn hóa quốc tế, tạo ra một đội ngũ lao động tay nghề cao và có tiềm năng trở thành các doanh nhân trong tương lai.
Nhiều người trẻ, đi du học và trở về với những ý tưởng lớn, thành lập công ty riêng mình. Ước tính có khoảng 21.000 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Mỹ trong năm ngoái. Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng du học sinh tại Mỹ.
Trong số 91 triệu dân, 44% người Việt Nam hiện sử dụng Internet, mạng xã hội để liên lạc, giao lưu và buôn bán. Gần 22% dân số có tài khoản Facebook.
Giới trẻ tỏ ra đặc biệt quan tâm tới việc buôn bán kinh doanh. Các cửa hàng nhỏ trên Facebook mọc lên như nấm, chào bán các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan hoặc sản xuất nội địa. Họ tự đi giao hàng hoặc thông qua dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông. Không chỉ Facebook, các ứng dụng nội địa cũng được sử dụng rộng rãi.
So với các nước phát triển như Singapore, Việt Nam có lợi thế dân số vàng, 70% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi. Họ là những thanh niên tham vọng, cầu thị và hướng ngoại.
Bên cạnh đó, những người trẻ Việt Nam được sinh ra và đào tạo ở nước ngoài, thường gọi là Việt Kiều, đang ồ ạt trở về quê hương, bổ sung cho nguồn nhân lực trong nước.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù các nhà quản lý trẻ tham vọng từ khắp châu Á đang đổ tới Việt Nam, họ khó có thể cạnh tranh được với đội ngũ nhân lực địa phương.
Sức mạnh của gia đình
Nhờ vào sự ủng hộ, hỗ trợ tài chính của gia đình, giới trẻ Việt Nam có thể tập trung khởi nghiệp. Ở Việt Nam, các gia đình thường bao gồm ba thế hệ chung sống với nhau dưới một mái nhà. Con cái chăm sóc bố mẹ khi về già, ông bà giúp trông nom các cháu để cha mẹ chúng đi làm.
Kiểu gia đình ba thế hệ này trở thành nguồn hỗ trợ quan trọng và tấm lưới an toàn nâng đỡ cho những doanh nhân trẻ ở Việt Nam. Họ có thể dành nhiều thời gian, công sức hơn cho công việc, yên tâm rằng đã có bố mẹ giúp chăm lo nhà cửa và con cái.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi ngang với Trung Quốc với nhu cầu tuyển dụng đang tăng 32%. Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình 6,3% trong ba năm tới.
Với dân số trẻ, tham vọng và ham mê kinh doanh, không khó để Việt Nam duy trì lợi thế của mình, Channel News Asia nhận định.
An Hồng