CNN đưa tin phán quyết trên được Hội đồng Nhà nước Pháp đưa ra với thị trấn ven biển phía nam Villeneuve-Loubet, gần thành phố Nice.
Hơn 30 thị trấn tại Pháp đã cấm burkini vì lo ngại trang phục dành cho phụ nữ Hồi giáo này gây kích động sau một loạt cuộc tấn công khủng bố.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng lệnh cấm burkini là bất hợp pháp và thể hiện sự bài xích Hồi giáo. Họ ca ngợi phán quyết hôm qua của Hội đồng Nhà nước Pháp là một bước tiến đáng kể.
"Bằng việc đảo ngược một lệnh cấm mang tính phân biệt đối xử được thúc đẩy và nuôi dưỡng bởi thành kiến và sự thiếu khoan dung, quyết định ngày hôm nay là một dấu mốc quan trọng", giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại châu Âu John Dalhuisen tuyên bố. "Lệnh cấm này chẳng những không giúp gì cho việc tăng cường an toàn công cộng mà còn thúc đẩy sự sỉ nhục công khai. Không chỉ tự thân nó là một sự phân biệt đối xử, mà như chúng ta đã thấy, việc thực thi lệnh cấm đã dẫn đến lạm dụng và đối xử tệ với phụ nữ và trẻ em gái Hồi giáo".
Hiện vẫn chưa rõ các thị trấn khác sẽ phản ứng thế nào với quyết định trên. Nếu các thị trưởng tiếp tục ban hành và thi hành lệnh cấm, họ có thể phải đối mặt với thách thức pháp lý tương tự.
Quyết định chỉ là phán quyết ban đầu của Hội đồng Nhà nước và cơ quan này đang tiếp tục chuẩn bị các văn bản chi tiết hơn về các vấn đề pháp lý trong vụ việc này.
Đầu tuần này, hình ảnh của cảnh sát Nice yêu cầu một phụ nữ lột bỏ burkini được chia sẻ mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông, làm dấy lên những chỉ trích và các cuộc biểu tình.
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết ông ủng hộ việc cấm burkini. Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người dự kiến tái tranh cử, cũng cho biết ông sẽ lập tức ban hành lệnh cấm toàn quốc đối với trang phục này.
Năm 2011, Pháp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cấm mặc trang phục Hồi giáo burqa và cấm mạng che mặt. Chính phủ Pháp trước đó cũng cấm khăn trùm đầu Hồi giáo và các biểu tượng tôn giáo "dễ gây chú ý" khác trong các trường học hồi năm 2004.
Xem thêm: Người biểu tình tổ chức tiệc burkini trước sứ quán Pháp ở Anh
Thảo Phan