Theo People Daily, vào thời cổ đại, việc ly hôn ở Trung Quốc còn khá tự do. Phải đến đầu thời Chu (1046-256 TCN), chế độ gia đình phụ quyền mới dần thiết lập. Từ thời kỳ Tây Chu (1046-771 TCN) đến Xuân Thu Chiến quốc (770-221 TCN), chế độ gia đình phụ quyền vẫn chưa được củng cố, trong Kinh Dịch thậm chí còn ghi lại chuyện vợ bỏ nhà đi.
Đến triều đại của Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN), chế độ gia đình mà người đàn ông làm chủ mới vững chắc hơn. Tới thời Đường - Tống (618-1279), ý thức phụ quyền trở nên mạnh mẽ, thân phận người phụ nữ trở nên thấp hèn. Phụ nữ thời này không được tự ý lấy chồng khác, chỉ khi chồng bỏ trốn mới được phép xin quan phủ cho ly hôn.
Việc ly hôn của giới quý tộc cổ đại có những thủ tục nhất định. Theo "Lễ ký", hay còn gọi là "Kinh Lễ", một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, ngoài nghi thức cho chồng bỏ vợ còn có nghi thức cho vợ bỏ chồng, cả bên bỏ và bên bị bỏ đều phải nhẹ nhàng tự kiểm điểm.
Phóng thê thư - chứng nhận ly hôn
Từ bản "Phóng thê thư" của một quý tộc thời Đường (618-907), có thể thấy địa vị nam nữ tương đối bình đẳng. Tờ giấy này có vai trò như đơn ly hôn thời nay nhưng có chút khác biệt. Nội dung của Phóng thê thư thường được chia làm ba đoạn.
Đoạn đầu nhắc lại về duyên phận vợ chồng đồng cam cộng khổ, như cá với nước, vui vẻ bên nhau tới khi bạc đầu. Đoạn thứ hai miêu tả tình trạng hôn nhân hiện tại, hai người tính cách không hòa hợp, thường xảy ra cãi vã khiến họ hàng hai bên trách móc, nay không thể tiếp tục bên nhau. Đoạn cuối cùng là lời chúc phúc sau ly hôn.
Nếu hai người đã không thể chung sống, chẳng thà vui vẻ nói lời từ biệt và chúc nhau hạnh phúc. Phía cuối đơn ly hôn ghi rõ, nhà trai phải gửi phí bồi thường cho nhà gái. Hơn nữa, đơn ly hôn cần được hai bên gia đình, họ hàng thân thích làm chứng.
Chế độ cổ đại Trung Hoa là xã hội nam quyền, phụ nữ phải "tam tòng tứ đức" nhưng đàn ông không được tùy ý bỏ vợ. Việc ly dị giữa vợ chồng phải chịu sắp xếp của gia tộc cũng như tuân theo pháp luật, chịu sự ràng buộc của lý và tình.
Theo "Bạch Cư Dị tập", trên đường mang cơm cho chồng cày cấy ngoài vườn, người vợ gặp cha mình đang đói bèn mời cha ăn cơm. Người chồng đợi lâu nên đói bụng, vô cùng phẫn nộ, khăng khăng đòi bỏ vợ. Người vợ không phục bèn thưa lên quan phủ.
Nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Đường Bạch Cư Dị bình luận: "Theo tiêu chuẩn đức hạnh của phụ nữ, người vợ về lý phải thuận theo chồng, nhưng việc báo đáp ân nghĩa của cha mình là xuất phát từ thiên tính. Vậy nên vợ phải để cha ăn trước, chồng ăn sau. Việc hiếu thuận nặng hơn chuyện vợ chồng, nên người chồng không được bỏ vợ".
Thời cổ đại vô cùng coi trọng trật tự quan hệ xã hội, việc ly dị không được ủng hộ nên tỷ lệ ly hôn rất thấp. Sau thời Tống (960–1279), kẻ sĩ thường cho rằng đàn ông bỏ vợ là vô đạo đức. Thậm chí ở vùng quê, tình trạng bỏ vợ ngày càng ít gặp. Do khó khăn về kinh tế, ly hôn khiến sức lao động trong gia đình giảm sút, trách nhiệm lấy vợ mới cũng rất nặng. Ngoài ra, quan niệm về danh phận cũng ảnh hưởng ít nhiều bởi tư tưởng "phu thê nghĩa trọng" khiến người ta không dễ dàng nói tới ly hôn.
Hải Yến