Người dân Triều Tiên hầu như vẫn dựa vào các cách liên lạc truyền thống này do phần lớn quốc gia không được truy cập mạng Internet. Bức thư năm 2011 giờ trở thành một trong những tài sản giá trị nhất đối với cha mẹ của Mun, một kỷ vật mà khó có bức thư điện tử nào có thể sánh được.
Theo CNN, trong thư, Mun, khi đó 20 tuổi, nói với cha mẹ rằng mình sẽ sớm trở về nhà và nhờ họ chuẩn bị đồ để cô đi học đại học. Ba năm trước đó, cha mẹ của cô đã rất tự hào khi biết con gái mình được nhận vào làm việc tại một nhà hàng thuộc chính quyền Triều Tiên ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Những nhà hàng kiểu này là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Triều Tiên, quốc gia vốn bị cô lập với nền kinh tế thế giới do những lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân. Các nữ tiếp viên phục vụ tại đây được lựa chọn kỹ càng dựa trên ngoại hình và khả năng hát múa, nhưng quan trọng nhất là lòng trung thành.
Mất tích
Vài tuần sau khi viết bức thư, Mun biến mất.
Các đồng nghiệp người Triều Tiên cho biết những vị khách kết bạn với Mun đã bắt cóc cô. Cựu quản lý nhà hàng tin rằng họ là gián điệp người Hàn Quốc, thường xuyên lui tới đây dưới vỏ bọc là doanh nhân Triều Tiên trong suốt hai năm. Các nhân chứng do chính quyền Triều Tiên cung cấp cho hay những người đàn ông này đã ép Mun lên một chiếc xe và chở cô đi.
Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc cho rằng cáo buộc trên "hoàn toàn không có căn cứ" và hàng chục nghìn người Triều Tiên đã mạo hiểm trốn sang Hàn Quốc từ những năm 1990. Bình Nhưỡng khẳng định những người sang Hàn Quốc đều là tội phạm đang tìm cách rũ bỏ tội lỗi, hoặc là nạn nhân của bọn buôn người, bị lừa gạt và buộc phải nói dối về Triều Tiên để tồn tại.
Dù cho Mun mất tích trong tình huống như thế nào, gia đình của cô cũng là những người phải hứng chịu nỗi đau.
Trong ngôi nhà tại Bình Nhưỡng, cha mẹ của Mun vẫn giữ gìn nguyên vẹn căn phòng của con gái. Cô đã gửi con chó Snoopy nhồi bông yêu thích của mình cho em trai trước khi đi.
"Mỗi ngày đi làm về, tôi đi vào phòng con bé để nhìn xem có gì thay đổi không, xem nó đã về nhà chưa", mẹ của Mun, bà Kim Sun Jong, nói.
Bà Kim là một họa sĩ, còn chồng bà, ông Mun Sung Jin, là một sĩ quan cảnh sát. Cả hai vừa nở nụ cười vừa nghẹn ngào nước mắt khi ngắm từng bức ảnh của con gái. Họ giữ gìn những bức ảnh từ khi Mun còn bé.
Ông bà rất tự hào khi Mun được chọn làm việc ở nước ngoài, dù điều đó có nghĩa là con gái họ phải xa quê hương, gia đình trong vòng ba hoặc bốn năm. Chỉ những thanh niên giành được sự tin tưởng cao nhất mới được chính quyền gửi ra nước ngoài.
Ngay cả khi ở nước khác, người Triều Tiên vẫn sống đúng theo văn hóa xã hội của mình. Họ ở trong những căn hộ do nhà nước cấp. Họ sống, làm việc và học tập cùng nhau.
Mun đã gửi về nhà rất nhiều ảnh của mình, đa phần là khi cô múa hát phục vụ các khách hàng. Cô mặc những bộ đồ hiện đại và váy Hanbok truyền thống, chụp ảnh cùng những cô gái trẻ khác làm việc cùng.
Trung thành và tận tụy
Cha mẹ Mun cho biết cô là một công dân có "trái tim trong sáng", tận tụy với đất nước, gia đình và lãnh đạo của mình. Cô thậm chí từng dành thời gian để lau sạch bụi trên biển tên của một con phố ở Phnom Penh được đặt theo tên của nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Ông bà cho rằng lý do duy nhất khiến cô không trở về quê nhà chỉ có thể là bị bắt cóc hoặc lừa đảo.
Cha của Mun cho hay chưa bao giờ ông nghĩ đến việc con gái cố tình bỏ trốn. Nhưng dù sự thật có thế nào đi nữa, gia đình cô cũng đang rất đau đớn.
"Nỗi đau này sẽ không bao giờ nguôi ngoai", ông nói. "Nó chỉ tăng lên suốt bốn năm qua".
Bà Kim nhìn thẳng vào camera của phóng viên như đang nói với con gái mất tích.
"Mẹ sẽ chờ con đến cuối cuộc đời. Mẹ tin chắc rằng con đã bị lừa đến đó. Mẹ tin con", bà nói.
Tuấn Vũ