Saida Ahmad Baghili ngồi trên giường một bệnh viện ở Hodeida, thành phố ven Biển Đỏ, ngước mắt lên như đang cầu xin. Cô gái đã 18 tuổi nhưng mặc vừa bộ quần áo trẻ em vì suy dinh dưỡng nặng do đói ăn, theo CNN.
Baghili chỉ là một trong số hàng triệu người đói ăn ở Yemen, quốc gia đang lâm vào khủng hoảng lương thực trầm trọng do chiến tranh. Từ tháng hai năm nay, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc mỗi tháng viện trợ lương thực cho hơn ba triệu người. Tuy nhiên, số người cần viện trợ đã tăng lên 6 triệu và nguồn viện trợ đang dần hết.
"Nạn đói có thể tàn phá cả một thế hệ", Torben, giám đốc WFP tại Yemen nói. "Chúng ta cần mở rộng quy mô hỗ trợ kịp thời lương thực và y tế tới nhiều người. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ người dân Yemen".
"Chúng tôi cần cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ cho các gia đình, nhưng thật đáng buồn là hiện nay, lượng thức ăn của mỗi gia đình phải cắt giảm vì không đủ".
Cuộc nội chiến ở Yemen xảy ra vào đầu năm 2015, khi phiến quân Houthi – một nhóm thiểu số theo dòng Shiite ở phía bắc đất nước, được Iran hậu thuẫn, tấn công quân chính phủ do Mỹ hậu thuẫn và chiếm đóng thủ đô Sana.
Tháng 3/2015, liên quân do Arab Saudi dẫn đầu tiến hành cuộc chiến chống phiến quân Houthi tại Yemen, nhằm khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang phải sống lưu vong.
Các cuộc xung đột này khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Theo WFP, trước nội chiến, Yemen là một trong những đất nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Theo thống kê hồi tháng 6, có khoảng 14,1 triệu người Yemen đang trong tình trạng thiếu lương thực, bao gồm 7 triệu người thiếu lương thực trầm trọng.
Tại Yemen, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính là 31% (gấp đôi ngưỡng khẩn cấp là 15%). WFP cho biết cần hơn 257 triệu USD để viện trợ lương thực cho quốc gia này.
Xem thêm: Dinh tổng thống Yemen bị phiến quân đánh chiếm
Thu Thủy