Andree Wu mới thực tập ở công ty Công nghệ Yitu Thượng Hải được vài tháng nhưng đã cảm thấy nơi đây như ở nhà.
Cô cho biết bầu không khí làm việc khá ấm cúng, có cả đàn piano để nhân viên tùy ý đánh vài bản trong giờ nghỉ, tủ lạnh đầy đồ uống và đồ ăn nhẹ, hàng ngày đầu bếp trong công ty đều hầm canh phục vụ.
Đối với nhân viên bộ phận Nghiên cứu và Phát triển, những người thường phải làm việc khuya, công ty sẽ cung cấp bữa đêm miễn phí lúc 22h. Họ cũng có thể chợp mắt trong phòng nghỉ.
Wu làm việc ở phòng kinh doanh. Cô thường xuyên làm việctừ 9h30 sáng đến 21h30 tối. Sau bữa trưa, Wu rất buồn ngủ và chỉ được chợp mắt một lúc nhưng cô không hề phàn nàn. Những người khởi nghiệp ở Trung Quốc đều có tinh thần này.
"Ai cũng muốn hoàn thành công việc trước khi tan sở", Wu nói. "Mọi người làm việc chăm chỉ để khẳng định bản thân. Có nhiều việc phải giải quyết, nhưng chúng tôi lại không có nhiều nhân viên, vì thế ai cũng phải kiêm nhiệm vài việc".
Làm việc liên tục nhiều tiếng một ngày đã trở thành một phong cách sống ở Trung Quốc, trong bất kỳ ngành nghề nào. Người lao động Trung Quốc làm việc trung bình 2.000 - 2.200 giờ mỗi năm, cao hơn so với người Mỹ (1.790 giờ), Hà Lan (1.419), Đức (1.371) và Nhật Bản (1.719), theo thống kê của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD và ước tính của một nghiên cứu viên ở đại học Sư phạm Bắc Kinh năm 2014.
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu chú ý tới cường độ làm việc căng thẳng này. Năm 2012, một bài xã luận được đăng trên China Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết rằng karoshi, thuật ngữ tiếng Nhật chỉ "cái chết do làm việc quá sức", đã trở thành thực tế ở Trung Quốc, và luật lao động không bảo vệ được đầy đủ quyền lợi của người lao động.
Trong hội thảo tổ chức ở đại học sư phạm Bắc Kinh năm 2014, Lại Đức Sinh, viện trưởng viện quản lý kinh doanh nhận xét, làm việc ít giờ hơn không chỉ cải thiện năng suất và sức khỏe của nhân viên, mà còn giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế sản xuất, biến Trung Quốc từ đất nước chuyên gia công sang quốc gia tự phát triển công nghệ.
Cạnh tranh về chi phí và tốc độ
Tuy nhiên nhiều người không để tâm đến những lời khuyên này, đặc biệt là người trong giới công nghệ. Không chỉ cung cấp bữa khuya, một số doanh nghiệp như công ty điện toán đám mây BaishanCloud còn lắp giường cho nhân viên ngủ hay như trong trụ sở "gã khổng lồ công nghệ Alibaba", nhân viên dựng lều ngủ ngay trên sàn văn phòng trong thời gian chuẩn bị cho ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất của năm. Huawei cũng nổi tiếng với "văn hóa nệm", nhân viên ở đây đều có một tấm nệm mỏng để dưới bàn làm việc.
Các khoản đầu tư mạo hiểm khổng lồ vẫn tiếp tục đổ vào Trung Quốc bất chấp những lo ngại về nền kinh tế đang chững lại của nước này, đạt kỷ lục 37 tỷ đôla Mỹ năm 2015, theo Bloomberg, tăng gấp đôi so với năm 2014, đã đẩy mạnh sự cạnh tranh khốc liệt trong giới công nghệ.
Gary Rieschel, nhà đồng sáng lập người Mỹ của quỹ đầu tư mạo hiểm các dự án khởi nghiệp Qiming - nơi đầu tư cho điện thoại Xiaomi, cho rằng văn hóa làm việc của Trung Quốc có nhiều yêu cầu hơn cả ở thung lũng Silicon.
Một trong nhiều nguyên nhân là bởi các mô hình kinh doanh ở Trung Quốc không dựa trên ý tưởng độc đáo mà chỉ bắt chước, Rieschel nói. Điều này khiến họ phải lấy chi phí và tốc độ để cạnh tranh.
"Mà khi cạnh tranh về chi phí thấp và tốc độ, thực sự chỉ có một công thức để thành công, đó là làm việc 24/7 trong 365 ngày", ông nói.
Ken Xu, một đối tác công ty liên doanh Gobi Partners đặt tại Thượng Hải, nói rằng đối với nhiều nhà công nghệ trẻ, không hề có cái gọi là cân bằng công việc và cuộc sống. Công việc chính là cuộc sống của họ.
Thành phố nơi họ làm việc không có gia đình hoặc bạn bè sinh sống, họ thà ở lại văn phòng muộn để kiếm thêm tiền, giao tiếp với các đồng nghiệp, còn hơn là về nhà một mình. Nhiều công ty ít vốn còn thu hút nhân tài bằng cách cung cấp đủ loại tiện nghi như wife tốc độ cao hay cơm miễn phí.
"Họ có thể nghỉ một lát để chơi game, tán gẫu", Xu nói. "Khi về nhà, họ cũng chỉ làm điều tương tự, chơi game và xem video".
"Đây không phải vấn đề về công việc mà đây là một phần lối sống của họ. Họ không muốn về nhà mà chỉ muốn ở lại chỗ làm".
Công ty Công nghệ Yitu chuyên về máy tính, phát triển công nghệ tiên tiến đã cố gắng tạo ra một môi trường làm việc thoải mái. Leo Zhu, người đồng sáng lập công ty, từng ở Mỹ hơn 10 năm để học tiến sĩ ở đại học California (UCLA) và học sau tiến sĩ tại viện công nghệ Massachusetts (MIT). Khi trở về Trung Quốc và thành lập công ty của riêng mình, ông đã áp dụng một số phương thức khởi nghiệp của Mỹ.
Nhân viên ở đây vẫn làm việc nhiều giờ trong ngày nhưng linh hoạt hơn. Họ được phép ăn trưa và ăn tối lâu hơn, những người có gia đình có thể đến sớm hơn để hoàn thành công việc và về nhà lúc 20h. Phòng nghỉ có các trò chơi phù hợp cả nam và nữ, và cuối tuần công ty thường tổ chức thi đấu bóng rổ.
Văn phòng sử dụng loại ghế tựa đặc biệt được chính Zhu lựa chọn cẩn thận với giá 450 USD một chiếc. Nhân viên có thể ăn mặc đơn giản như áo phông, quần cộc và giày thể thao. Mỗi tuần một lần, công ty tổ chức hội thảo theo phong cách TED (công nghệ, giải trí và thiết kế) về các chủ đề liên quan đến công nghệ máy tính và lý thuyết.
Yitu quy định làm việc 11 giờ mỗi ngày, trừ thời gian nghỉ ăn trưa và ăn tối, vì vậy Zhu cố gắng tạo ra không khí làm việc sôi động và hấp dẫn.
"Ở đây toàn những người trẻ tuổi, tôi cho rằng họ quan tâm tới việc phát triển hơn. Họ muốn học hỏi chứ không phải chỉ hoàn thành một công việc", ông nói.
Vấn đề thực tế
Rieschel nói rằng nhiều công ty Trung Quốc đánh giá người lao động dựa vào thời gian họ có mặt tại văn phòng, chứ không phải hiệu suất làm việc.
Vì vậy, nhân viên ở lại muộn chỉ là để có mặt lâu, điều này tương tự những gì đã xảy ra ở nhiều công ty Nhật Bản trong thập niên 80 và 90.
"Việc nhân viên có mặt ở văn phòng quá lâu có thực sự cần thiết?" Ông đặt câu hỏi. "Không thể tin tưởng nhiều ở xã hội Trung Quốc, vì vậy khi người ta không nhìn thấy bạn thì bạn đang làm gì?"
Một vấn đề nữa là mệt mỏi. Liệu nhân viên có đạt hiệu quả cao nhất trong khi thiếu ngủ? Và điều này tác động như thế nào tới sự đổi mới, một yếu tố quan trọng khác cho sự thành công khi khởi nghiệp?
Shen Aixiang, người sáng lập 24 tuổi của công ty cung cấp dịch vụ cắm trại trực tuyến Eluying, cũng nhận thức được những rủi ro này. Tuy nhiên, anh cũng nói thêm giới công nghệ phải tự tìm sự cân bằng bởi giảm thời giờ làm việc không hẳn là một lựa chọn.
Công ty của anh đã phát triển nhanh chóng kể từ khi ra mắt cách đây hai năm, với khoản vốn quay vòng lần thứ ba lên tới ba triệu USD. Anh có 60 nhân viên, đều ở độ tuổi dưới 30. Hầu hết họ làm việc đến 21h, sáu ngày một tuần, nhưng điều đó không ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất, Shen cho biết.
"Thực ra, tôi không khuyến khích nhân viên ngủ lại văn phòng vì tôi nghĩ rằng giấc ngủ ngon hơn, đặc biệt là ở nhà sẽ mang lại chất lượng công việc tốt hơn", anh nói.
Nhưng anh cũng cho rằng, "hầu hết các công ty mới thành lập ở Trung Quốc không cần phải có nhiều sáng tạo. Những gì họ cần nhất là năng lực làm việc, tuyển dụng thêm nhân viên để thực hiện, còn việc sáng tạo là của cấp quản lý".
Giống như Zhu, Shen tin rằng chìa khóa để thúc đẩy sự học hỏi và độc lập trong suy nghĩ của các nhân viên thế hệ 9x của Trung Quốc là thông qua các phương thức khác: sở hữu nhiều hơn trong công ty (kể cả nhân viên cấp thấp nhất của anh cũng có được điều này) và một môi trường làm việc văn hóa mà họ có thể tin tưởng.
Khác với thế hệ trước, thanh niên Trung Quốc ngày nay không quan tâm nhiều đến việc phải vào được một công ty lớn để có công ăn việc làm ổn định nhưng không có nhiều cơ hội phát triển. Họ quan tâm hơn đến những công ty khởi nghiệp dù phải vất vả lúc ban đầu.
Xem thêm: Người đón đầu xu thế sản xuất búp bê tình dục ở Trung Quốc
Thảo Phan