Bà Kim Bok-dong, 90 tuổi, là một trong 47 phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm việc trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản hiện còn sống. Cụm từ "phụ nữ mua vui" dùng để chỉ các cô gái bị bắt phục vụ trong nhà thổ Nhật. Bà Kim cũng là một trong 238 nạn nhân chịu chia sẻ quá khứ bị lạm dụng của mình. Nhiều người bị lừa và buộc phải xa gia đình, chịu kiếp nô lệ tình dục.
Giới học giả hiện vẫn tiếp tục tranh cãi về số phụ nữ bị bắt phục vụ nhu cầu thể xác của lính Nhật, nhưng theo các nhà hoạt động xã hội, có thể có tới 200.000 phụ nữ Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trong khi các nước láng giềng châu Á đang đợi bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe tại lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh cách đây 70 năm, những người phụ nữ này lại chẳng có nhiều thời gian để chờ nữa. Kể từ đầu năm nay, 8 phụ nữ Hàn Quốc từng "mua vui" cho quân đội Nhật đã qua đời.
Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố lễ kỷ niệm ngày 15/8 tới đây có thể là cơ hội cuối cùng để lãnh đạo Nhật giải quyết vấn đề này. Phía Hàn Quốc cho rằng Nhật chưa làm đủ để chuộc lỗi.
"Tôi không nghĩ là phải đợi lâu như thế. Nếu biết, tôi đã không lên tiếng. Chúng tôi sẽ không được thực sự giải thoát cho tới khi nào vấn đề được giải quyết", Reuters trích lời bà Kim nói.
Năm Kim 14 tuổi, một cảnh sát và binh sĩ người Nhật tới nhà đề nghị bà đến làm tại nhà máy dệt. Mẹ Kim khi đó phản đối gay gắt vì cho rằng Kim còn quá nhỏ. Tuy nhiên, Kim sau đó đồng ý vì họ nói bà có thể học việc dần dần. Lúc ấy, Kim nghĩ chắc chỉ mất vài ngày.
Thay vì vài ngày, Kim bị bắt vào các nhà thổ của quân đội ở phía nam Trung Quốc, Indonesia và Singapore, biền biệt 7 năm.
Năm 1993, ông Yohei Kono, người sau này trở thành Chánh văn phòng Nội các Nhật, từng nói lời xin lỗi về những hành động của nước này trong quá khứ. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Abe năm ngoái yêu cầu kiểm tra lại lời xin lỗi vì cho rằng không có bằng chứng nào chứng minh quân đội hay chính phủ Nhật có liên quan trực tiếp đến vụ bắt cóc các cô gái.
Bà Ren Lane ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, dành cả đời che giấu quá khứ bị binh lính Nhật bắt và cưỡng hiếp từ năm 15 tuổi. Một lời xin lỗi từ Nhật Bản sẽ là niềm an ủi nhỏ nhoi với người phụ nữ khốn khổ này nhưng bà chẳng hy vọng sống được đến ngày đó.
Liu Wanchang, con trai bà Lane, cho biết chính phủ chưa bao giờ liên hệ với gia đình để tìm hiểu câu chuyện của mẹ ông, dù truyền thông gần đây đưa tin rầm rộ. Người thân của bà Lane cho rằng chính quyền đã phớt lờ cảnh ngộ của bà cùng nhiều nạn nhân khác khi cố gắng bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản trong những năm 1980.
Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây bắt đầu công bố các tài liệu chi tiết về tội ác của Nhật Bản với những "phụ nữ mua vui". Nước này cho hay sẽ tiếp tục công khai nhiều lời thú nhận khác của các tội phạm chiến tranh người Nhật trước thềm kỷ niệm kết thúc chiến tranh giữa hai nước vào ngày 3/9 tại Bắc Kinh.
Bà Gil Won-ok, người từng bị bắt đi khỏi nhà ở thành phố Bình Nhưỡng, Triều Tiên, từ năm 13 tuổi và bị giam cầm suốt 5 năm trong các nhà thổ quân đội Nhật Bản ở Trung Quốc, lại không muốn nhắc tới ngày đó.
"Lời xin lỗi sẽ giúp chúng tôi thanh thản nhắm mắt xuôi tay. Nhưng tôi nghĩ, điều đó khó xảy ra", bà Gil, hiện sống chung nhà cùng bà Kim ở thành phố Seoul, Hàn Quốc, chia sẻ.
Kim Dung (theo Reuters)