Shandra Woworuntu đặt chân đến Mỹ vào tuần đầu tiên của tháng 6/2001. Với cô, nước Mỹ là mảnh đất của hy vọng và cơ hội. Bước qua cửa hải quan, cô thích thú vô cùng vì cuối cùng cũng đã đến một nước khác, dù nó không giống với những gì trên tivi và phim ảnh, theo BBC.
"Ở cửa đến của sân bay, tôi nghe thấy ai đó gọi tên mình. Tôi quay lại và nhìn thấy một người đàn ông cầm tấm biển có dán ảnh của mình trên đó. Tôi không chú ý nhiều đến bức ảnh", Woworuntu nhớ lại.
"Công ty tuyển dụng ở Indonesia đã yêu cầu tôi mặc một cái áo ba lỗ có đôi chút hở hang. Điều làm tôi chú ý là người đàn ông đang cầm tấm biển kia cơ. Anh ta cười với tôi một cách thân thiện. Anh ta tên là Johnny. Tôi nghĩ rằng anh ta sẽ chở tôi đến khách sạn nơi tôi làm việc".
Thực ra, khách sạn đó ở Chicago, nhưng cô lại đáp chuyến bay đến sân bay JFK ở New York cách đó gần 1.300 km.
"Thế mới thấy tôi ngây ngô đến thế nào. Khi đó tôi 24 tuổi và không biết được điều gì sắp xảy ra với mình", Woworuntu nói.
Từ Indonesia tới Mỹ
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng tài chính trong tay, cô làm việc cho một ngân hàng quốc tế ở Indonesia ở vị trí nhân viên phân tích và giao dịch. Nhưng đến năm 1998, Indonesia bị lao đao bởi khủng hoảng tài chính toàn châu Á. Năm sau đó là biến động về chính trị. Thế là Woworuntu mất việc.
Để có tiền nuôi con gái ba tuổi, cô bắt đầu tìm kiếm công việc ở nước ngoài. Thấy trên báo đăng quảng cáo tìm lao động làm việc cho các khách sạn lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong và Singapore, cô nộp đơn ứng tuyển khách sạn ở Mỹ.
Họ yêu cầu cô phải nói được một ít tiếng Anh và nộp lệ phí là 30 triệu rupiah Indonesia (năm 2001 tương đương 2.700 đôla Mỹ). Quá trình tuyển dụng gồm nhiều vòng phỏng vấn nên khá mất thì giờ. Ngoài ra, họ còn yêu cầu Woworuntu đi lại như người mẫu và cười cho họ xem.
"'Điều quan trọng nhất với nghề này là phục vụ khách hàng', họ bảo với tôi như vậy", cô nói.
Woworuntu qua hết các bài kiểm tra và được nhận. Theo kế hoạch, mẹ và em gái sẽ trông con giúp cô trong 6 tháng làm việc ở nước ngoài với lương tháng là 5.000 USD. Sau đó cô sẽ về nước và nuôi con.
Woworuntu đến sân bay JFK cùng với một người đàn ông và 4 phụ nữ khác. Họ chia thành hai nhóm. Johnny giữ toàn bộ giấy tờ của cô, trong đó có cả hộ chiếu, rồi dẫn cô ra xe với hai phụ nữ khác. Và mọi thứ bắt đầu diễn ra không như dự tính.
Tài xế lái một đoạn đường ngắn là đến khu Flushing, quận Queens. Ông ta cho xe tấp vào một bãi đỗ rồi dừng lại. Johnny bảo họ ra khỏi xe rồi lại lên một xe khác. Nhóm người răm rắp làm theo.
Khi nhìn qua cửa kính ôtô, Woworuntu thấy tài xế mới đưa tiền cho Johnny.
"Có gì đó không ổn", cô nghĩ nhưng rồi lại tự trấn an mình rằng chắc đó là cách khách sạn làm ăn với công ty nhận nhiệm vụ đưa đón người từ sân bay.
Tài xế mới lái quãng đường ngắn rồi dừng xe bên ngoài một quán ăn. Họ lại xuống xe, lên một xe khác. Tiền lại trao tay. Tay tài xế thứ ba chở nhóm người đến một ngôi nhà, rồi lại đổi xe khác. Lần này, tài xế có súng.
"Anh ta bắt chúng tôi lên xe và chở chúng tôi đến một ngôi nhà ở Brooklyn. Anh ta vừa gõ cửa vừa gọi: 'Mama-san, hàng mới!'" Woworuntu nhớ lại.
Cô chột dạ bởi hiểu "Mama-san" nghĩa là bà chủ nhà chứa. Nhưng lúc này làm sao trốn thoát được vì họ có súng.
Cửa mở, cô nhìn thấy một bé gái, trạc 12, 13 tuổi, đang nằm trên sàn gào khóc. Xung quanh là một đám đàn ông thay nhau đá cô bé. Mũi cô bé chảy máu be bét. Cô bé gào thét trong đau đớn. Một gã cười nhăn nhở rồi bắt đầu khua khua cái gậy bóng chày trước mặt tôi như để thị uy.
Bắt đầu cuộc sống nô lệ
Chỉ vài giờ sau khi đặt chân đến Mỹ, Woworuntu bị ép phải quan hệ tình dục.
"Tôi sợ hãi vô cùng, nhưng bản năng sinh tồn mách bảo tôi phải gắng gượng. Sau khi chứng kiến cảnh bạo lực khi bước chân vào nhà thổ, tôi biết rằng mình phải tuân theo những gì họ bảo", cô nói.
Ngày hôm sau, Johnny xuất hiện và trình bày rất nhiều, đại để là xin lỗi vì những gì đã xảy ra với họ sau khi chia tay nhau. Anh ta nói rằng chắc là có sự nhầm lẫn tai hại. Lẽ ra, hôm đó họ sẽ được chụp ảnh để làm thẻ căn cước, đi mua đồng phục và đến khách sạn ở Chicago để bắt đầu công việc.
"'Chúng ta sẽ ổn thôi', anh ta xoa lưng tôi rồi nói. 'Chuyện này sẽ không xảy ra nữa'. Tôi tin anh ta. Sau những gì tôi vừa phải chịu đựng thì anh ta giống như một thiên thần. Tôi tự nhủ ác mộng đã qua và mình sẽ đến Chicago làm việc", Woworuntu thầm nghĩ.
Một người đàn ông đến và chở họ đi. Sau khi chụp ảnh ở một cửa tiệm, họ di chuyển đến một cửa hàng để mua đồng phục. Nhưng đó là một cửa hàng đồ lót, bán toàn những thứ hở hang, diêm dúa mà cô chưa thấy bao giờ. Đấy đâu phải "đồng phục".
"Nghĩ lại lúc đấy tôi lại thấy nực cười. Tôi biết là mình đang bị lừa và đang gặp nguy hiểm. Tôi nhớ là mình đã nhìn quanh cửa hàng xem liệu có thể trốn đi không. Nhưng tôi sợ. Tôi chẳng biết ai ở Mỹ. Tôi cũng không đành bỏ lại hai người phụ nữ kia. Họ đang thích thú với việc mua sắm", Woworuntu nói.
Cô nhìn người đàn ông hộ tống chúng tôi. Anh ta có súng và đang nhìn cô. Anh ta ra hiệu như muốn nói với cô rằng đừng cố làm gì liều lĩnh.
Cuối ngày hôm đó, nhóm người bị tách ra và Woworuntu không còn gặp lại hai người kia nữa kể từ lúc đó. Chúng đưa cô đi, không phải đến Chicago mà là một nơi bọn buôn người ép cô bán dâm.
Chúng đến từ Indonesia, Đài Loan, Malaysia và Mỹ. Chỉ hai trong số đó nói được tiếng Anh, còn lại là dùng tay chỉ trỏ hoặc chỉ biết văng tục. Điều khiến cô sốc ngày hôm đó, và cả nhiều tuần sau đó, là một trong những kẻ buôn người có mặt ở đấy mang phù hiệu cảnh sát. Đến bây giờ cô cũng không biết liệu hắn có phải cảnh sát thật hay không.
Thủ đoạn
Bọn buôn người bảo rằng cô nợ chúng 30.000 USD và mỗi lần bán dâm, cô sẽ được trừ nợ 100 đôla. Những tháng sau đó, cô liên tục di chuyển trên Xa lộ Liên tiểu bang 95 đến các nhà thổ, khu căn hộ, khách sạn và sòng bài dọc bờ biển East Coast. Hiếm khi cô ở lại một chỗ hai ngày và chẳng bao giờ biết mình đã ở đâu và sẽ đi đâu.
Các nhà thổ nhìn bên ngoài giống các căn nhà bình thường, còn bên trong giống sàn nhảy với ánh đèn nhấp nháy và nhạc ầm ĩ. Ma túy, thuốc lắc bày đầy trên bàn. Bọn buôn người chĩa súng ép cô dùng thuốc, nhưng có lẽ nhờ thế mà tôi vượt qua mọi thứ. Suốt ngày đêm, cô chỉ uống rượu và bia vì chẳng có gì khác ngoài hai thứ đồ uống đó, mà không biết rằng có thể uống nước trắng thẳng từ vòi ở Mỹ.
Ngày nào cũng thế, các cô gái bị ép làm nô lệ tình dục phải ngồi chờ khách trong tình trạng khỏa thân. Những lúc không có khách, họ được chợp mắt và tất nhiên là không có giường. Nhưng những lúc rảnh rỗi là những lúc bọn buôn người "tranh thủ" ép các cô quan hệ. Vậy nên lúc nào họ cũng trong tình trạng cảnh giác. Chẳng thể đoán trước được điều gì.
"Cảnh giác vậy thôi, chứ tôi thấy mình như mất hết cảm giác, không còn khóc được nữa. Quá uất ức, tôi cố gắng làm cho xong mọi việc bị sai bảo và cố gắng sống sót. Tôi vẫn nhớ cảnh cô bé bị đánh. Tôi cũng đã chứng kiến cảnh bọn buôn người đánh đập những người phụ nữ khác khi họ gây chuyện hoặc từ chối quan hệ. Súng, dao và gậy bóng chày là những thứ bất biến trong cái thế giới vạn biến này", Woworuntu nhớ lại.
"Bọn chúng gọi tôi là Candy. Tất cả những phụ nữ bị bán làm nô lệ tình dục đều là người châu Á. Ngoài người Indonesia chúng tôi còn có các cô đến từ Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia. Cũng có những người không phải nô lệ. Họ là gái điếm. Họ tự kiếm tiền và được tự do đi lại".
Hầu như ngày nào, cứ tầm nửa đêm, là một tên sẽ đưa cô đến sòng bài. Chúng cho Woworuntu ăn mặc như công chúa. Gã buôn người sẽ diện Âu phục đen, đi giày đen bóng loáng và lặng lẽ theo sát cô như vệ sĩ với khẩu súng lúc nào cũng dí vào lưng. Họ không đi qua sảnh mà vào bằng lối đi cho nhân viên và dùng thang máy chở đồ giặt.
"Tôi nhớ lần đầu tiên bị đưa đến một phòng ở khách sạn nơi có các sòng bài. Khi đó tôi nghĩ mình có thể chạy trốn khi trở ra. Nhưng gã buôn người đã chờ tôi ở hành lang", Woworuntu kể lại.
"Hắn ra hiệu cho tôi sang phòng tiếp theo. Rồi phòng tiếp theo nữa. Tôi ở mỗi phòng 45 phút. Đêm nào cũng như đêm nào, gã buôn người luôn đứng chờ tôi ngoài cửa".
Vì cô luôn ngoan ngoãn nghe lời nên không bị bọn buôn người đánh đập, nhưng đám khách hàng thì rất dữ tợn. Vài tên trông giống thành viên băng đảng mafia châu Á. Ngoài ra còn có dân da trắng và da đen. Có cả ông già và sinh viên đại học. Trong 45 phút, Woworuntu trở thành vật sở hữu của chúng và phải làm những gì khách bảo nếu không muốn bị đánh.
"Nhưng gì tôi phải chịu đựng thật đau đớn và tủi nhục. Tôi không phải người khỏe. Thức ăn hàng ngày chỉ có cháo không và dưa muối. Thuốc thì bị ép dùng rất nhiều. Liên tục bị đe dọa đánh đập và phải luôn cảnh giác cao độ khiến tôi thấy kiệt sức", Woworuntu nói.
Ngoài bộ "đồng phục", thứ tài sản duy nhất mà cô có là cái xắc nhỏ chứa vài món đồ bên trong.
"Tôi có một cuốn từ điển, một quyển kinh nhỏ, vài cây bút và mấy hộp diêm có ghi tên sòng bài tôi lấy ở khách sạn", Woworuntu nhớ lại.
"Tôi cũng giữ thói quen viết nhật ký từ nhỏ. Tôi viết bằng tiếng Indonesia, tiếng Anh, tiếng Nhật và cả ký hiệu nữa. Tôi cố gắng ghi chép lại những việc tôi làm, những nơi tôi đến và số người tôi gặp. Tôi cố gắng ghi lại cả ngày tháng. Việc này không dễ vì ở trong nhà thổ thì chẳng biết được đâu là ngày hay đêm.
Lúc nào tôi cũng nghĩ đến việc chạy trốn, nhưng cơ hội rất hiếm".
Gặp gỡ Nina
Một đêm bị nhốt ở trên gác mái của một nhà thổ ở Connecticut, căn phòng có một cửa sổ mở được, Woworuntu nối ga trải giường với quần áo thành một sợi dây, một đầu buộc vào khung cửa sổ, rồi trèo ra ngoài. Đến khi chạm đến đầu kia của sợi dây tự tạo, cô thấy mình còn cách mặt đất khá xa. Chẳng còn cách nào khác, Woworuntu đành phải leo trở lại.
Rồi cô được đưa trở lại nhà thổ ban đầu ở Brooklyn, ở cùng với một cô bé 15 tuổi người Indonesia tên là Nina. Cô bé rất xinh, dễ thương và can trường. Có lần, em kiên quyết không làm theo lời bọn buôn người. Một gã liền vặn tay khiến cô bé khóc thét lên.
"Chúng tôi bắt chuyện với một phụ nữ trong nhà thổ chịu trách nhiệm quản lý. Bà ta tỏ ra rất tử tế. Bà ta cho tôi số điện thoại của một người đàn ông và khuyên tôi gọi điện cho người đó nếu thoát được ra ngoài. Ông ta sẽ giúp tôi tìm việc và kiếm tiền để về nước. Tôi chép lại số điện thoại vào một mẩu giấy nhỏ rồi giấu nó đi", Woworuntu nhớ lại.
Khi bà ta nhắc đến món nợ 30.000 đôla Mỹ, cô bắt đầu thấy ớn lạnh, chắc chắn mình sẽ chết trước khi tiếp đủ 300 gã đàn ông. Woworuntu nhắm mắt lại và cầu mong ai đó cứu mình.
Không lâu sau, cô vào phòng tắm và nhìn thấy một cửa sổ nhỏ. Nó bị đóng chặt bằng ốc vít. Nina và cô mở vòi nước rồi dùng thìa vặn ốc vít. Họ cố gắng làm nhanh hết sức có thể, rồi trèo qua cửa sổ nhảy xuống.
Họ gọi cho số điện thoại mà người đàn bà trong nhà thổ đưa cho. Một người đàn ông Indonesia nghe máy. Đúng như lời người đàn bà kia nói, ông ta hứa giúp đỡ hai người. Cô và Nina mừng quýnh lên. Ông ta đến đón, đặt phòng khách sạn cho hai người rồi bảo chờ ông ta đi tìm việc cho.
"Ông ta chăm sóc chúng tôi chu đáo, mua đồ ăn và quần áo cho chúng tôi. Nhưng sau đó vài tuần, ông ta dụ dỗ chúng tôi ngủ với đàn ông trong khách sạn. Khi chúng tôi từ chối, ông ta gọi điện cho Johnny và bảo anh ta đến đón chúng tôi. Hóa ra, ông ta cũng là một gã buôn người. Tất cả bọn họ đều cùng hội cùng thuyền với nhau",Woworuntu nhớ lại.
Nhưng rồi đúng lúc ấy cô gặp may.
Ngọc Anh