
Gia đình hoàng tộc Romanov – vương triều cuối cùng của đế quốc Nga, gồm Sa hoàng Nicholas II, hoàng hậu Alexandra và 3 người con. Ảnh: Hulton-Deutsch/ Bộ sưu tập Hulton-Deutsch/Corbis.
Theo BBC, khi gia tộc Romanov - vương triều cuối cùng của đế quốc Nga - còn nắm quyền, xưởng điêu khắc của nghệ nhân Peter Carl Fabergé đã chế tác 50 quả trứng Phục Sinh tinh xảo dành riêng cho hoàng gia. Suốt 32 năm từ năm 1885 đến năm 1917, các hoàng hậu của vương triều Romanov đều mong ngóng được nhận món quà Phục Sinh tinh xảo từ ông Fabergé.
Nghệ nhân Peter Carl Fabergé sinh năm 1846 tại St. Petersburg trong một gia đình làm nghề kim hoàn. Ông được Hoàng gia Nga thuê vào làm trong cung điện sau khi hoàn thành quả trứng vàng đầu tiên năm 1885.
Tác phẩm đầu tiên của Fabergé là quả trứng Phục Sinh trắng tinh tráng men và kích thước bằng trứng thật, đặt trong bụng một con gà mái bằng vàng, là món quà mà Sa hoàng Alexander III tặng cho Hoàng hậu Maria Feodorovna năm 1885. Bên trong quả trứng là noãn hoàng cũng được làm bằng vàng. Ngoài ra, bên trong con gà mái còn có một chiếc vương miện được nạm kim cương và một quả trứng hồng ngọc nhỏ.
Những quả trứng Phục Sinh của Fabergé được mô tả như những tác phẩm nghệ thuật phi thường. Ví dụ như quả trứng Hen được chế tác từ vàng năm 1885 được phủ 5 lớp sơn nhẵn mịn, nạm đá quý được khai thác từ các mỏ hoàng gia ở dãy Ural và Alta.
Quả trứng Scandinavi được chế tác năm 1903 mang đầy vẻ thuần khiết. Đây là một trong 15 quả trứng mà Fabergé chế tác cho một gia đình khác ngoài hoàng tộc. Tất cả 50 quả trứng Phục Sinh đều rất tinh xảo và đầy vẻ hào nhoáng.
Kể từ khi xuất hiện trước công chúng tại triển lãm Paris Exposition Universell 1900, những quả trứng của Fabergé đã gây ra rất nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia phê bình và nhà sưu tập. Có người khen ngợi sự cầu toàn của ông nhưng có người lại cho rằng ông quá lãng phí.
Tuy nhiên, sau những biến cố lớn của lịch sử đầu thế kỷ 20, những kiệt tác của ông Fabergé đã bị phân tán khắp nơi. 14 quả trứng Phục Sinh của Fabergé đã được Liên Xô bán cho nước ngoài để huy động ngoại tệ theo chủ trương "Biến của cải thành máy móc" của chính phủ khi đó.

Một trong 50 quả trứng Phục Sinh của ông Fabergé và mô hình đoàn tàu lửa Trans Siberian Express bằng vàng. Ảnh : Herbert Neubauer.
Hiện có 43 trên tổng số 50 quả trứng Phục Sinh do đích thân Fabergé chế tác được lưu giữ trong các viện bảo tàng và bộ sưu tập. Trong số đó, có 9 quả trứng Phục Sinh được tài phiệt Nga Viktor Vekselberg mua lại từ bộ sưu tập Malcolm Forbes trong một buổi đấu giá năm 2004, với mức giá 100 triệu USD. Những quả trứng này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Fabergé – được khai trương vào năm 2013 tại cung điện Shuvalev ở St. Petersburg.
Năm 2015, một quả trứng Phục sinh được chế tác vào năm 1887 với trị giá ước tính 33 triệu USD được tìm thấy tại một cửa hàng bán đồ cổ ở Anh. Tháng 10/2015, quỹ từ thiện British Royal Collection Trust cũng thông báo đã tìm thấy món quà vốn nằm trong quả trứng Diamond Trellis được chế tác vào năm 1892. Đó là mô hình con voi màu ngà có gắn đồng hồ bên trên, từng được vua George V mua lại vào năm 1935.

Quả trứng Pearl. Ảnh: Fabergé.
"Không lời nào có thể diễn tả được hết cảm xúc của chúng tôi khi chiếc chìa khóa vừa khít với bộ phận lên dây cót, và lần đầu tiên trong 80 năm qua, con voi bắt đầu bước đi, cử động bốn chân rồi gật đầu", quản lý cao cấp của quỹ British Royal Collection Trust phát biểu trong một hội thảo diễn ra tại bảo tàng Fabergé.
Xem ảnh quả trứng Phục Sinh Pine Cone chế tác năm 1900
Số còn lại, bao gồm cả quả trứng Nécessaire được chế tác năm 1889, vẫn bặt vô âm tín. Nécessaire là quả trứng được làm từ đá hồng ngọc, ngọc lục bảo, ngọc bích và kim cương, bên trong là bộ dụng cụ trang điểm vô cùng sang trọng. Quả trứng được ông Wartski, một thợ kim hoàn người Anh, bán cho một người vô danh năm 1952 với mức giá gần 1.770 USD (gần 49.450 USD ngày nay).
Cuộc săn tìm những quả trứng Phục Sinh mất tích vẫn đang tiếp diễn.
Kim Dung