Một nhóm cô gái Ấn Độ lớn lên tại Kamathipura, khu đèn đỏ nổi tiếng Mumbai, đã đưa câu chuyện đời mình tới festival nghệ thuật lớn nhất thế giới Edinburgh Fringe ở Anh. Những cô bé này có mẹ là gái bán dâm ở Mumbai, theo BBC.
"Trưởng thành trong cộng đồng ấy là trải nghiệm tuyệt vời. Người ngoài cho rằng đó là chỗ tối tăm bẩn thỉu, sợ hãi khi phải đến đó. Nhưng với tôi, đó là nơi an toàn nhất Trái Đất", Sandhya, 21 tuổi, nói.
Mọi thứ thay đổi khi Sandhya bắt đầu đi học.
"Tôi từng bị lạm dụng nhiều năm, liên tục. Tôi bị cưỡng hiếp khi mới 10 tuổi. Tôi bị phân biệt đối xử vì màu da, vì da tôi đen. Ở Ấn Độ, da đen nghĩa là cô gái đó xuất thân từ khu đèn đỏ Mumbai và có mẹ là gái bán dâm. Tôi luôn ngồi một mình trong lớp", Sandhya nhớ lại.
Những cô gái này đã rời bỏ khu đèn đỏ, cùng nhau sống trong một nhà trọ. Họ được chăm sóc bởi Kranti, một tổ chức giáo dục và trao quyền cho những bé gái bị kỳ thị.
"Bố mất năm tôi 11 tuổi. Khi đó, tôi rất giận mẹ, bởi bố mất buối sáng thì đến tối, mẹ tôi đã đưa ngay một người đàn ông về nhà, bảo đó là bố mới của tôi", Rani, 16 tuổi, kể lại.
"Hai năm sau, 'bố mới' hầu như ngày nào cũng đánh đập tôi và mẹ. Sau đó, tôi chuyển vào sống ở Kranti, nhưng mẹ thì vẫn chịu cảnh bạo lực mỗi ngày".
Những cô gái ở Kranti đã nghệ thuật hóa chuyện đời mình lên sân khấu.
"Bạn biết tôi thành công cái gì không? Đó là tôi đã học được cách tha thứ cho bố dượng và mẹ tôi. Tôi hiểu được họ cũng chỉ là con người, cũng luôn cố hết sức mình. Họ cũng có giới hạn. Tôi học được rằng món quà lớn nhất có thể cho đi là tha thứ", Rani nói.
"Mỗi người trên thế giới này đều đang đấu tranh với nhiều thứ, nhưng luôn có khát vọng vươn lên. Việc bị lạm dụng không thể ngăn cản điều tôi muốn làm. Hoàn cảnh không bao giờ là điểm yếu của tôi nữa", Sandhya tâm sự.
"Chúng tôi thường nói: 'Quá khứ đã ban cho tôi sức mạnh'. Nếu tôi không sinh ra và lớn lên ở khu đèn đỏ, tôi đã không ở đây vào lúc này. Tôi được thế này là nhờ quá khứ, dù chuyện gì đang xảy ra lúc này và xảy đến trong tương lai".
Hồng Hạnh