"Chúng tôi cùng lúc phát hiện có khói phát ra từ núi. Tất cả đều bỏ chạy", công nhân một xưởng sản xuất pháo cho biết. Anh này cùng hàng trăm công nhân trong xưởng nhanh chân chạy ra ngoài, theo China News.
"Bố, mẹ, con trai, con gái, vợ, em gái, em dâu, đứa nhỏ con em gái, ba đứa cháu nhà em trai cùng 5 công nhân nữa đều ở bên trong. Tôi đã gọi hơn 40 cuộc, nhưng đều không liên lạc được. Lúc đầu thì không có tín hiệu, cuối cùng máy cũng tắt luôn", Hà Vệ Minh, một ông bố 36 tuổi cầm điện thoại nhìn chăm chăm vào ảnh con trai, thất thần nói. Anh cùng vài người nữa ngồi chờ trước cửa tòa nhà tập đoàn Hằng Thái Dụ gần hiện trường vụ sạt lở.
Trước đó, nhân viên cứu hỏa tại hiện trường cho biết, vụ sạt lở ở khu công nghiệp nằm sát với khu dân cư trong làng, nên một phần khu làng cũng bị sạt lở theo và có thể tình hình sẽ trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia hôm nay nhận định khả năng tái xảy ra sạt lở rất thấp. Chính quyền Trung Quốc sáng nay công bố, vụ sạt lở khiến 33 tòa nhà bị chôn vùi hoặc thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, bao phủ diện tích khoảng 380.000 m2. Trong các tòa nhà bị ảnh hưởng có14 nhà máy, hai tòa nhà văn phòng, một nhà ăn, ba khu nhà ở của công nhân, cùng 13 tòa kiến trúc thấp tầng khác; 91 người mất tích.
Theo Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, nguyên nhân gây sạt lở ban đầu được xác định không phải là thảm họa tự nhiên, mà do lượng lớn phế thải xây dựng như bùn đất, vật liệu chất đống và quá dốc, cao tới 100 mét. Người dân địa phương cho biết, nhiều ngày nay ở Thâm Quyến không có mưa lớn, chỉ có duy nhất một trận mưa phùn hôm 20/12.
Hồng Hạnh