Fatima lớn lên như bao cô gái bình thường khác ở Nizhne Sortymsky, một thị trấn nhỏ của Siberia, Nga. Theo Siberian Times, nhờ thông minh, sáng dạ, cô đã vượt qua 800 ứng viên để trở thành một trong số 13 sinh viên giành học bổng toàn phần ở trường đại học, chuyên ngành ngôn ngữ học.
"Con bé thường mặc một chiếc áo khoác đỏ với váy ngắn đen hoặc trắng. Nó luôn yêu thích quần áo công sở. Nó không bao giờ mặc áo trễ cổ, quá ngắn, quần bò, đó không phải là những thứ nó thích. Ngay cả khi đi học nó cũng mặc áo khoác, quần tây cổ điển và áo sơmi. Con bé cũng trang điểm và biết chăm sóc bản thân mình", bà Shakhla Bochkaryova, 41 tuổi, mẹ của Fatima, nhớ lại.
"Nó có rất nhiều mỹ phẩm, trang sức. Nó có mái tóc dài và rất để ý chăm sóc. Nó rất quan tâm tới vẻ bề ngoài và luôn muốn mình đẹp. Bạn bè nói nó là một người ăn mặc rất thời trang", bà nói thêm.
Ba tháng sau khi Fatima vào đại học, bà Shakhla biết có điều gì đó đã thay đổi. Bà miêu tả một sự biến chuyển mà nhiều bậc cha mẹ ở những nước phương Tây khác cũng từng chứng kiến. Sự biến chuyển dần dần tiến tới mức người mẹ bất lực không còn nhận ra chính con gái mình.
"Nó ngừng liên lạc với tôi, không gọi lại cho tôi", bà kể lại. "Nó dường như đang có bệnh, lúc nào cũng mệt mỏi, với những quầng thâm dưới mắt".
Tháng 12/2013, một tháng sau khi nhập học, Fatima trở về nhà và nói với mẹ rằng cô bắt đầu thấy hứng thú với đạo Hồi. Điều này không có gì ngạc nhiên vì gia đình bên ngoại cô cũng có người theo đạo Hồi, dù không đặc biệt sùng đạo. Tuy nhiên, Fatima tỏ thái độ căm ghét lễ đón năm mới và thậm chí phá hỏng cả cây thông, dù những năm trước cô luôn thích thú với thời khắc này.
Vào tháng 5/2014, bà Shakhla phát hiện ra con gái mình đã bỏ học được 3 tháng.
"Tôi thu dọn đồ đạc và quần áo của nó, đưa con bé về nhà mà không nói lời nào. Con bé bỏ học. Tôi bảo nó ở nhà và trông trẻ, nấu nướng trông nom nhà cửa, chỉ cần ở nhà", bà kể.
Kẻ dụ dỗ
Một hôm, một người đàn ông tự xưng là Abdullah tới nhà. Theo lời Shakla, Abdullah khoảng 36 tuổi nhưng trông rất già. Y mang theo một bó hoa lớn và một vài cây nến đến uống trà và ngỏ lời muốn cưới Fatima. Abdullah cũng giải thích rằng mình đã có 3 người vợ, mỗi người đã sinh 3 đứa con.
"Hắn nói với tôi rằng hắn yêu Fatima và con bé cũng yêu hắn", bà kể lại. "Một trong những cô vợ của hắn đang có mang khi hắn ngỏ ý cưới con gái tôi".
Bà Shakla đã không chấp thuận. Suốt vài tháng sau đó, Fatima, giờ đây bị thù hận thôi thúc, vẫn tiếp tục ở nhà, trong khi cảnh sát xác nhận Abdullah là một kẻ tuyển binh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
"Con bé nói với tôi: 'Những người anh em của tôi sẽ đến và giết những người như bà, những kẻ vô đạo. Họ sẽ chặt đầu bằng dao và bà biết đấy, trái tim tôi sẽ chẳng lỡ nhịp nào'. Fatima bắt đầu đeo khăn trùm đầu, nó chỉ suy nghĩ về ngày tận thế. Nó sống bằng tiền của tôi nhưng không chịu làm việc vì đó là một 'tội lỗi'. Tôi nhìn nó và không còn thấy con mình nữa. Nó đơn giản chỉ là cái vỏ bọc của con gái tôi, không có linh hồn, không suy nghĩ, không trái tim", người mẹ mắt đỏ hoe kể lại.
Tuyệt vọng, sợ hãi, bà Shakhla thậm chí phải xích con gái mình vào lò sưởi, bám lấy hy vọng mong manh rằng bà có thể mang cô trở lại.
"Chúng tôi sống ở tầng 3. Con bé đã mở cửa sổ phòng ngủ và leo qua ban công nhà hàng xóm, nói với họ rằng nó không may bị khóa ở ngoài và không thể mở cửa", bà kể.
Sau khi thoát ra, Fatima bỏ trốn và từ đó bà Shakhla không còn nhìn thấy con gái yêu của mình nữa. Camera giám sát đã ghi lại được hình ảnh cô xuất hiện ở bến xe.
"FSB (cơ quan tình báo Nga) cho tôi thấy hình ảnh con bé ở sân bay Sheremetyevo tại Moscow. Nó đã bay đến Syria thông qua Dagestan, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Có lúc nó sống ở Iraq", người mẹ kể.
Những ngày gần đây, Fatima bày tỏ quan điểm cực đoan trên tài khoản mạng xã hội về các vụ tấn công khủng bố nhằm vào máy bay chở khách của Nga và Paris do IS thực hiện. Cô tuyên bố rằng "chính những người anh em của chúng tôi đã bắn hạ máy bay của hãng Kogalymavia ở bán đảo Sinai" và "quét sạch tất cả ở Paris".
"Tôi đơn giản là sẽ không thể kiềm chế được nếu nó giết một ai đó", bà Shakhla nói. "Thà chết đi còn hơn là mẹ của một tên khủng bố. Sinh ra một thứ quái vật, điều này thật kinh khủng với bất kỳ người mẹ nào. Tất nhiên, không người mẹ nào muốn thừa nhận con mình là một quái vật. Nhưng thật lòng, vâng, chúng tôi đã sinh ra những con quái vật này".
Khi được hỏi về quan hệ giữa con gái và Abdulla, người mẹ đau đớn nói: "Nếu nó sống với tên dụ dỗ ấy thì nó đã biết quá nhiều. Chúng sẽ không để nó sống sót mà rời đi. Một viên đạn, đó là cái giá của cuộc đời nó. Thật đau đớn, tôi biết tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy nó một lần nữa".
Tuấn Vũ