Nguyen Trung Kien mua bút xăm khi 19 tuổi và tự học hỏi trên Internet. Kien vẽ đẹp nhưng lại không biết cách sử dụng máy xăm - loại chuyên dụng cho lông mày chứ không phải cho cơ thể mà mãi sau Kien mới phát hiện.
"Tôi thử trên người mình", Kien nói với Channel NewsAsia, chỉ vào cánh tay trái.
6 năm sau, Kien mở một cơ sở xăm hình tại quê nhà ở Việt Trì và được đồng nghiệp công nhận là một trong những thợ xăm tiềm năng nhất ở lễ hội xăm hình Ink Fest tổ chức tại Hà Nội.
Hàng trăm thợ xăm hình từ 12 quốc gia có mặt tại sân vận động Quần Ngựa trong hai ngày 23-24/6. Giữa các quầy hàng là tiếng ồn của máy xăm cùng tiếng chuyện trò náo nhiệt của giới trẻ thủ đô.
Mại dâm và tội phạm
Theo Ta Cham Anh, một trong những người tổ chức lễ hội, xăm hình thường bị gắn liền với hình ảnh mại dâm, băng đảng và những người từng vào tù ra tội ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nhận thức xã hội đang dần thay đổi, trở nên cởi mở hơn. Ta Cham Anh, thường được gọi là Cham, 29 tuổi, là quản lý của Tats Studio, một trong những cơ sở xăm hình hàng đầu tại Hà Nội.
Những thợ xăm trẻ tuổi tài năng như Kien đang đưa xăm hình vượt khỏi ấn tượng xấu kia, chứng minh nó xứng đáng được công nhận như một hình thức nghệ thuật cũng như một công việc để kiếm sống.
Phim ảnh Hollywood, kênh Youtube và các ngôi sao Việt Nam như rocker Trần Lập vừa qua đời đã giúp giới trẻ thành thị làm quen với loại hình nghệ thuật này.
Ở hội chợ, phần lớn khách tới xăm ở độ tuổi 20 nhưng không phải tất cả. Pham Viet Anh, 32 tuổi, nhân viên tài chính tại một công ty bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, lần đầu tiên đi xăm và quyết định xăm hình con trai 2 tuổi lên người.
"Mình rất yêu con và nó rất đáng yêu. Vợ mình bảo là mình nghiện con nên mình quyết định xăm hình con lên vai", Pham nói. Nhiều thanh niên ở cơ quan Pham cũng xăm hình.
"10 hay 20 năm trước, có hình xăm là ghê gớm lắm nhưng bây giờ, đó lại là nghệ thuật".
Bùng nổ
Một dấu hiệu bùng nổ nghệ thuật xăm hình ở Việt Nam là con số các studio tăng lên nhanh chóng khắp cả nước. Le Ngoc Anh, một nhà cung cấp thiết bị xăm giúp phác họa ngành xăm hình ở Việt Nam.
Năm 2010, Ngoc Anh bỏ việc làm thầy giáo dạy tiếng Trung để bắt đầu làm nhà cung cấp máy xăm CMC, lúc đó chỉ có khoảng 70 cơ sở xăm hình ở miền bắc Việt Nam. Con số hiện tại là 800, Ngoc Anh ước tính, tăng gấp 10 lần so với 6 năm trước. Việc làm ăn của Ngoc Anh cũng rất phát đạt.
Tuy nhiên, nghề này vẫn cần cải thiện nhiều ở Việt Nam. Khách đến tham quan vây quanh thợ xăm hình trong lúc họ làm việc, trong bầu không khí ngột ngạt thiếu điều hòa không khí ở sân vận động. Cuống vé và tàn thuốc vứt bừa bãi trên sàn.
"Người ta hút thuốc đầy ra, thông thường điều này không được phép trong lúc xăm hình", Ael Lim, một thợ xăm người Singapore cho biết.
Luật chưa quy định
Mặc dù nhiều cơ sở xăm hình đang mọc ra, với số lượng khách hàng tăng lên, nhưng luật pháp Việt Nam vẫn chưa có quy định chi tiết về xăm hình nghệ thuật như độ tuổi xăm hình hay giấy phép hành nghề.
Những người như Cham và Ngoc Anh hy vọng nhà nước sẽ chú ý nhiều hơn tới ngành nghề non trẻ này. Nhưng trong khi chờ đợi, các thợ xăm có nhiệm vụ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt để bảo vệ khách hàng khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh tật và nhiễm trùng.
Thành lập năm 2008, cơ sở Tats Studio của Cham bắt đầu thu lãi sau hai năm và giờ đây, "ngày nào chúng tôi cũng bận rộn", Cham nói, chuông điện thoại reo vang.
"Khách gọi điện đến đặt hàng suốt".
Xem thêm: Người ủng hộ xăm hình tỷ phú Trump vào bắp tay
Hồng Hạnh