Asiya Ummi Abdullah không nghĩ sự cai trị của IS là chuyên chế và khủng bố như những người khác, cô cũng không sợ những đợt dội bom của Mỹ và đồng minh vào Raqqa, thành trì của IS tại Syria. Theo cô, đó là nơi lý tưởng để xây dựng gia đình.
Theo AP, cô gái 24 tuổi cải sang đạo Hồi đã giải thích quyết định đưa đứa con mới 3 tuổi của mình đến khu vực do IS kiểm soát. Cô cho rằng nơi đây sẽ cách ly họ với những tệ nạn về tình dục, ma túy và rượu mà cô cho là đang tràn lan ở phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ.
"Những đứa trẻ chứng kiến tất cả điều này, và rồi chúng sẽ trở thành những kẻ giết người, tội phạm, hoặc trộm cắp", Umi Abdullah đã viết trong một vài tin nhắn Facebook. Cô tin rằng đời sống tinh thần của con trai cô sẽ được bảo đảm, nếu tuân thủ theo luật lệ của Hồi giáo.
"Nó sẽ hiểu Thượng Đế và sống theo các quy tắc của người", cô nói.
Câu chuyện của Ummi Abdullah đã thể hiện sức hấp dẫn của IS. Nó cũng cho thấy ngay cả tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, nhiều gia đình vẫn từ bỏ tất cả để đi tìm thứ họ cho là sự cứu rỗi.
Trong khi IS tuyên truyền nó là một nơi lý tưởng dành cho các gia đình, trên thực tế, nhóm này đã diệt trừ hàng trăm nghìn "gia đình kẻ thù". Tổ chức cực đoan cũng tàn sát hàng trăm binh sĩ và những người dân chống cự nhóm để bảo vệ làng mạc, bằng một loạt các vụ hành quyết, gồm đóng đinh vào thánh giá và chặt đầu.
Ummi Abdullah vốn xuất thân từ Kyrgyzstan. Cô mới chỉ tiếp cận IS hồi tháng trước. Vụ mất tích của cô trở thành tin tức nóng nhất trên nhiều báo Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi chồng cũ của cô, một người bán xe 44 tuổi, có tên Sahin Aktan, cung cấp thông tin cho báo giới.
Thực tế, rất nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lôi kéo gia đình đến IS, tuy nhiên, báo giới chưa chú ý nhiều đến họ. Theo nhà lập pháp đối lập Atilla Kart, hơn 50 gia đình hồi đầu tháng này đã vượt biên để đến sống dưới sự cai trị của IS.
Con số ông Kart đưa ra có vẻ quá cao, nhưng nó được chứng thực bởi một người dân giấu tên tại Cumra, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho biết con trai và con dâu mình cũng nằm trong nhóm người di tản đó.
Báo giới từ hồi tháng 6 đã đưa nhiều tin tức về làn sóng các chiến binh ngoài Trung Đông gia nhập IS. Tuy nhiên, việc cả gia đình cùng di tản đến vùng IS chiếm đóng, trong đó có nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ, lại nhận được ít sự chú ý.
Giống như nhiều người khác, hành trình của Ummi Abdullah đến với thế giới Hồi giáo cực đoan xuất phát từ sự cô đơn. Tên thật của cô là Svetlana Hasanova, cô cải đạo sang Hồi giáo sau khi kết hôn với Aktan 6 năm trước.
Hai người gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ khi Hasanova, vào thời điểm đó vẫn còn là một thiếu nữ, đến Istanbul với mẹ để mua vải dệt.
Aktan cho biết mối quan hệ của họ ban đầu diễn ra rất suôn sẻ. "Trước khi kết hôn, chúng tôi cùng nhau đi biển, chơi đùa trong hồ bơi, thưởng thức món cá và rượu vào bữa tối", anh kể lại.
Theo Aktan, vợ anh ngày càng trở nên sùng đạo sau khi sinh con. Cô bắt đầu trùm kín mái tóc của mình và thường xuyên cầu nguyện. Trong tin nhắn của cô với AP, Ummi Abdullah cáo buộc chồng mình đối xử với cô "như một nô lệ".
"Tôi liên tục bị anh ta và gia đình anh ta coi thường. Tôi chẳng là gì trong mắt họ", cô nói.
Ummi Abdullah tìm thấy thứ tình bạn mà cô khao khát trên mạng. Cô trò chuyện với các chiến binh IS và đăng lên Facebook những lời hô hào tôn giáo. Cô và Aktan ly dị hồi tháng 6. Cô đưa con của họ đến một thị trấn Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria, trước khi đến vùng do IS kiểm soát. Aktan cho biết anh chưa gặp lại con trai kể từ đó.
IS dường như mong muốn quảng bá nhóm là một nơi dành cho gia đình. Một đoạn video tuyên truyền của nhóm cho thấy các chiến binh IS từ khắp nơi trên thế giới đang bế những đứa trẻ tại Raqqa, đứng trước một tấm màn in cảnh công viên giải trí.
Một người đàn ông trong đoạn phim, được xác định là công dân Mỹ có tên Abu al-Abdurahman Trinidadi, ôm một em bé có một khẩu súng máy đồ chơi ở sau lưng.
"Hãy nhìn những đứa trẻ này mà xem", al-Trinidadi nói. "Chúng đang rất vui vẻ".
Vũ Thảo