Theo Xinhua, người Trung Quốc cổ đại sớm có ý thức về quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Khái niệm "luật môi trường" đầu tiên trên thế giới do Tuần Tử (313 –238 TCN) đưa ra. Vào cuối thời Chiến Quốc (403–221 TCN), Tuần Tử được xem là nhà tư tưởng nổi tiếng của nhà Triệu.
Trong cuốn "Tuần Tử - Vương chế", Tuần Tử có viết rằng, khi cây cỏ đơm hoa kết trái thì không được chặt rừng, giẫm đạp và phá hoại sự sinh trưởng của chúng. Tuần Tử gọi đây là "thánh vương chi chế dã", tức chế độ của bậc quân vương sáng suốt.
Tuần Tử là người nước Triệu, nhưng khi thành danh lại sống ở nước Tề. Cuộc đời của ông ba lần đảm nhận chức "tế tửu" (tương đương hiệu trưởng) của Tắc Hạ Học Cung nước Tề. Tắc Hạ Học Cung là trường học do triều đình nước Tề mở, có danh tiếng như đại học Bắc Kinh hàng đầu Trung Quốc ngày nay. Chức "tế tửu" dành cho thầy giáo giỏi nhất trường. Việc Tuần Tử giữ chức này thể hiện sự trọng dụng nhân tài, coi trọng bảo vệ môi trường của nước Tề.
Trước Tuần Tử 400 năm, nhà bảo vệ môi trường Quản Trung (723–645 TCN) giữ chức Thượng Khanh nước Tề cũng quan niệm rằng không bảo vệ tốt môi trường thì không thể lãnh đạo quốc gia. Trong cuốn "Quản tử - địa số", ông cho rằng, làm vua mà không tuân thủ luật bảo vệ môi trường thì không được coi là vua thiên hạ.
Theo "Lịch đại chức quan biểu" do học giả Hoàng Bản Ký (1781-1856) thời Thanh biên soạn, Bộ Bảo vệ môi trường đầu tiên của Trung Quốc cổ đại được gọi là "Ngu", ra đời vào thời vua Thuấn. Ngu vừa là tên cơ chế luật, vừa là tên chức quan, gần tương đương với Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, phạm vi phụ trách của chức quan này lớn hơn, bao gồm bảo vệ và quản lý núi, rừng, sông, đầm lầy.
Từ thời cổ đại, con người vô cùng phụ thuộc vào thiên nhiên. Theo ghi chép trong "Sử ký Tư Mã Thiên", vua Thuấn (2277 – 2178 TCN) sau khi lên ngôi liền tiến hành cải cách hành chính. Trong đó, biên chế của Ngu quan không hề nhỏ. Người đứng đầu Ngu quan bấy giờ là Bác Ích, có địa vị tương đương với bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Trung Quốc hiện nay. Bác Ích là người phát minh ra giếng nước, giúp dân được dùng nước sạch không bị ô nhiễm.
Tới thời Tần Hán (221 TCN–202), Ngu được thay thế bằng Thiếu phủ, sau thời Tam Quốc được phục hồi tên gọi là Ngu quan. Thời Đường, Tống, Minh, Thanh đều duy trì Ngu Hằng Ti.
Theo "Dật Chu Thư – Đại Tụ Thiên", quan Đại Vũ bấy giờ ra lệnh vào mùa xuân cấm đốn củi trong rừng để cây đâm chồi nảy lộc, mùa hạ không được quăng lưới xuống sông để cá sinh trưởng.
Tới thời Xuân Thu Chiến Quốc (770–221 TCN), nước Tần chính thức ban hành luật bảo vệ môi trường. Năm 1975, người ta khai quật được các văn kiện từ thời Tần ở tỉnh Hồ Bắc, trong đó ghi luật bảo vệ môi trường gọi là "Điền Luật". Điền Luật chính là luật bảo vệ môi trường sớm nhất ở Trung Quốc.
Các hình phạt vi phạm luật bảo vệ môi trường rất nghiêm. Thời Chu Văn Vương triều Tây Châu (1231–1135 TCN) quy định, người không vâng lệnh sẽ bị giết không tha.
Theo "Quản tử - Địa số", vào thời Tề, nếu phá rừng sẽ bị xử tử, vi phạm lệnh bảo vệ môi trường sẽ bị chặt chân.
Theo "Hàn Phi Tử - Nội trữ thuyết", nếu phát hiện ai đốt rác vứt tro trên đường sẽ chặt tay. Sau này, các hình phạt được giảm nhẹ hơn. Vào thời Đường – Tống, nếu đốt cỏ khai hoang bị phát hiện sẽ đánh 50 roi, phá hoại cây cối sẽ bị xử như tội trộm cắp.
Hải Yến