Theo ABC, Sarah (tên nhân vật đã được thay đổi) muốn kể câu chuyện của mình để khuyến khích những nạn nhân khác của bạo lực gia đình tìm đến sự giúp đỡ.
Sau khi chuyển đến sống ở Australia, cô phải chứng kiến những thay đổi tồi tệ từ chồng mình. Anh ta gặp rắc rối với vợ cũ và luôn túng tiền, mất ngủ, hay uống rượu và đánh đập vợ.
"Tôi chẳng làm gì cả nhưng anh ta cứ đánh. Tôi không thể la hét, không thể trốn chạy", cô nhớ lại lần đầu tiên bị chồng hành hung.
"Năm 2014, chồng tôi phiền lòng chuyện gia đình. Vì thế, anh ta bắt đầu uống rượu và thuốc ngủ. Sau đó, anh ta tát tôi vô cớ. Trước đó chúng tôi cũng từng cãi nhau, nhưng chưa lần nào anh ấy đánh vợ. Tôi lúc ấy rất buồn", Sarah tâm sự.
Dấu hiệu bạo lực gia đình bắt đầu xuất hiện khi Sarah phát hiện chồng mình vẫn còn liên lạc với vợ cũ. Anh ta chối và cuối cùng tát vợ khi cô hỏi.
Ban đầu Sarah nhượng bộ vì nghĩ đến đứa con vừa mới sinh. Nhiều tuần trôi qua, chồng cô ngày một hung hãn và đòi hỏi gia đình Sarah chu cấp tiền. Anh ta lấy lý do cần tiền để xin visa thường trú tại Australia.
Thay vì gọi cảnh sát, Sarah nhấn 000 (số điện thoại cấp cứu ở Australia) để mong sự giúp đỡ từ nhân viên y tế vì cô nói rằng chồng mình "có vấn đề".
Vào một đêm, phát hiện chồng có hành vi bạo lực với con, Sarah rời khỏi nhà.
"Tôi chưa bao giờ thấy người cha nào lại đá chính con đẻ của mình. Tôi mang con chạy trốn nhưng chẳng biết đi đâu cả", cô kể.
Bạn bè không hề hay biết chồng cô hành hung vợ nên Sarah quyết định đến trung tâm thương mại Casuarina Square ở thành phố Darwin, miền bắc Australia ở lại đó ba ngày.
"Tôi tới rạp chiếu phim. Tôi cho con ăn ở đó. Sau đó hai mẹ con vào nhà vệ sinh ngủ. Tôi có thể ở nơi này bao lâu? Tôi lại quay về nhà. Chuyện cũ lặp lại, anh ta đánh tôi", Sarah kể.
Những trường hợp như Sarah không hiếm gặp ở Nhà Dawn, một trong số những tổ chức hỗ trợ lớn nhất tại thành phố Darwin dành cho nạn nhân của bạo hành gia đình.
"Sarah tìm đến chúng tôi và rõ ràng cô chưa chắc chắn về lựa chọn của mình. Tài chính có hạn, không có nhiều dịch vụ hỗ trợ, gia đình ở nước ngoài, cô ấy bị cô lập khỏi cộng đồng. Tất cả phụ nữ đến gặp chúng tôi đều vấp phải sự ràng buộc giữa bạo lực gia đình và vấn đề nhập cư. Bây giờ Sarah vẫn lo lắng liệu cô có thể ở lại Australia hay không", bà Susan Crane, giám đốc điều hành Nhà Dawn chia sẻ.
Sarah nhập cư vào Australia theo diện visa 457 (visa tạm trú dành cho lao động có tay nghề). Do đó, Sarah và con trai sẽ khó xin ở lại quốc gia này nếu ly dị chồng. Một số phụ nữ khác (theo diện visa vợ chồng) có thể không bị trục xuất nếu chứng minh được mối quan hệ vợ chồng là thật và họ là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Theo thống kê của Cục di trú Australia, số vụ bạo hành gia đình theo diện visa vợ chồng năm 2013 là 663, 2014 là 458, và 6 tháng đầu năm 2015 là 217.
Tháng 3 vừa qua, chính phủ Australia đưa ra luật dự thảo mà Bộ trưởng Nhập cư Peter Dutton đánh giá là "bước đi quan trọng" nhằm giúp những phụ nữ theo diện visa tạm thời thoát khỏi bạo lực gia đình. Theo luật này, người xin cấp visa có thể biết được về tiền sử bạo lực gia đình của người bảo trợ visa cho mình.
"Chúng tôi sẽ cương quyết không cấp visa nếu nhìn thấy có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình", ông Dutton khẳng định.
Tuy nhiên, những thay đổi này có thể là quá muộn với hai mẹ con Sarah, những người đang phải nỗ lực để xin ở lại Australia.
Xem thêm: Phận nô lệ của osin người Philippines ở Anh
Hương Trần