"Có một kẻ cưỡng hiếp trong tòa nhà này", những người biểu tình hét lên khi chặn lối vào của khu phức hợp Southbank Centre, London tối 14/3. "Hãy tống cổ tên cưỡng hiếp".
Theo BBC, những biểu ngữ và âm thanh hỗn loạn là điều hiếm thấy ở địa điểm vốn nổi tiếng với các buổi biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp thế giới này. Những gì mà người biểu tình nhắm tới là chương trình South of Forgiveness (Phía nam của sự tha thứ), trong đó một phụ nữ cùng người đàn ông từng cưỡng hiếp cô trao đổi về những tác động của vụ việc.
Cuộc thảo luận giữa Thordis Elva, người Iceland, và Tom Stranger, người Australia, đã phải hoãn kế hoạch tổ chức ban đầu vào cuối tuần qua do áp lực từ người biểu tình.
Các nhà tổ chức từ Hội Phụ nữ của Thế giới (WOW) sau đó vẫn quyết định để chương trình diễn ra vì không thể im lặng trước tầm quan trọng của nó.
"Cưỡng hiếp là một trong những vấn đề quan trọng và chúng ta cần thay đổi việc nói về nó, vốn quá tập trung vào những người sống sót hơn là những thủ phạm", Jude Kelly, giám đốc nghệ thuật của Southbank Centre, cho hay.
Diane Langford, một người biểu tình 75 tuổi và từng là nạn nhân hiếp dâm, lên án quyết định này: "Tôi ở đây vì cảm thấy một tên hiếp dâm đang trục lợi từ vụ cưỡng hiếp của hắn ta. Tôi không tin một kẻ cưỡng hiếp có thể được tha tội".
Elva mới 16 tuổi khi bị Stranger, bạn trai 18 tuổi, cưỡng hiếp sau một bữa tiệc Giáng sinh tại Iceland năm 1996. Vài ngày sau, hai người chia tay. Stranger trở về Australia trong sự tội lỗi và ân hận nhưng vẫn im lặng vì cho rằng hành động trên không phải cưỡng hiếp mà là quan hệ tình dục.

Thordis Elva và Tom Stranger. Ảnh: BBC
Sau những cuộc đấu tranh tư tưởng, Elva cuối cùng liên lạc với Stranger vào năm 2005 và trước sự ngạc nhiên của cô, người bạn trai cũ đã thừa nhận tội lỗi và đề nghị "làm bất kỳ điều gì có thể".
Đã quá muộn để Elva nghĩ đến việc truy tố và thay vào đó, họ cùng viết cuốn sách "Phía nam của sự tha thứ" để kể về những gì đã xảy ra.
Video quay lại cuộc trò chuyện của họ trong một chương trình khi tái ngộ sau 20 năm đã thu hút hơn 2,7 triệu lượt xem và từ đó, hai người được mời tham gia nhiều sự kiện khác.
Elva nói về sự đấu tranh tư tưởng của mình
Tuy nhiên, những người phản đối cuộc đối thoại tại London của Elva và Stranger cho rằng việc này khơi gợi lại ký ức đau đớn cho các nạn nhân từng bị tấn công tình dục và có thể dẫn đến việc bình thường hóa bạo lực tình dục thay vì truy cứu trách nhiệm và gốc rễ của vấn đề.
Họ lo ngại việc đồng hành cùng một kẻ cưỡng hiếp trở thành hình mẫu để giải quyết bạo lực tình dục.
Elva, 36 tuổi, người đang sống ở Thụy Điển cùng chồng và con trai, khẳng định cô không chia sẻ câu chuyện để khuyến khích những người khác làm theo mình. Cô chỉ muốn thủ phạm phải nhận trách nhiệm thay vì đổ lỗi cho nạn nhân trong các vụ bạo lực tình dục.
"Tom thực sự không phải là quỷ dữ mà chỉ là người đã đưa ra một quyết định kinh khủng khiến tôi phải vất vả để nhìn nhận tội lỗi của anh ấy là vì điều gì", cô nói.
Khi xuất hiện tại sự kiện ở London, Stranger dường như cẩn trọng trong ngôn từ hơn. Anh khẳng định không tham gia chương trình như một hình phạt hay để chuộc lỗi, cũng không nhằm mục đích trục lợi cho bản thân.
Các nhà tổ chức cho hay Stranger không được trả thù lao cho lần xuất hiện này và anh đã thề dành tất cả nguồn thu từ cuốn sách của mình cho việc từ thiện.
Stranger nói về việc nhận lỗi
Tuy nhiên, Liv Wynter, một nghệ sĩ, nhà hoạt động, nạn nhân cưỡng hiếp, cho rằng dù không nhận thù lao, Stranger vẫn được hưởng lợi từ truyền thông. Theo bà, những kẻ cưỡng hiếp không đáng được hoan nghênh vì thừa nhận tội lỗi và lo lắng rằng điều này có thể khuyến khích những thủ phạm khác liên lạc với nạn nhân.
Các tổ chức bảo vệ nạn nhân hiếp dâm nhấn mạnh rằng họ ủng hộ sự hồi phục về tinh thần của Elva nhưng cách tiếp cận của cô không đúng với tất cả mọi người.
Trong khi đó, việc Stranger tham gia vào cuộc đối thoại thẳng thắn lại nhận được sự hoan nghênh từ các khán giả theo dõi chương trình.
"Đó vẫn là câu chuyện của cô ấy", Karla Williams, 34 tuổi, nói. "Anh ấy không có ý định chiếm đoạt hay biến nó thành của mình".
"Nếu các bạn chưa bao giờ lắng nghe từ phía đàn ông thì làm sao thay đổi được?", một phụ nữ khác nói.
Nhiều nam khán giả cũng chia sẻ sự đồng tình sau chương trình. "Tôi nghĩ những gì họ đang làm rất phi thường. Tôi thực sự vui khi điều này diễn ra", một người nói.
"Tom đã khá dũng cảm và can đảm khi lên tiếng", người khác nhận xét.
Tuy nhiên, một cuộc thảo luận khác dành cho nam giới sau sự kiện trên chỉ thu hút được hai người tham gia. Điều này cho thấy nam giới vẫn chưa sẵn sàng để nói về vấn đề.
Anh Ngọc