Tay cảnh sát lột trần truồng cậu bé 14 tuổi, liên tục dí bật lửa vào gần bộ phận sinh dục của Choi, ép cậu thú nhận ăn cắp bánh mỳ, cho dù Choi không hề làm việc đó. Hai người đàn ông trang bị dùi cui đến và đưa cậu vào trại dành cho người cơ nhỡ Brothers Home, nơi diễn ra các hoạt động vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại.
Giờ đây, Choi vẫn khóc khi kể lại chuyện này.
Một bảo vệ ký túc xá hãm hiếp Choi vào cái đêm năm 1982 đó, và liên tục lặp lại. Cậu bắt đầu kiếp sống nô lệ trong 5 năm, bị đánh đập mỗi ngày, nhìn thấy không biết bao nhiêu đàn ông và đàn bà bị đánh tới chết, xác bị ném lên xe bò như đống rác.
Choi là một trong hàng nghìn người vô gia cư, nghiện rượu, không may mắn, nhưng chủ yếu là trẻ em và người khuyết tật bị đưa vào các cơ sở dành cho người cơ nhỡ trong thập niên 70 và 80 ở Hàn Quốc. Chính quyền lúc đó đang muốn cải thiện bộ mặt đất nước thành một quốc gia tiên tiến để giành quyền đăng cai Thế vận hội Seoul năm 1988, vì thế đã ra lệnh cho cảnh sát và quan chức địa phương "làm sạch" đường phố.
Ngày nay, không ai chịu trách nhiệm cho số phận hàng trăm người chết, bị hãm hiếp và đánh đập tại các cơ sở Brothers, theo điều tra của hãng thông tấn Mỹ AP.
Các vụ lạm dụng ở Brothers hầu như không được biết tới, có tính chất độc ác và phổ biến hơn nhiều so với người ta tưởng tượng, dựa trên hàng trăm tài liệu điều tra độc quyền và hàng chục cuộc phỏng vấn với quan chức và nạn nhân trước đây, hầu hết đều chưa từng công khai lên tiếng.
Bí mật xung quanh Brothers Home vẫn được che giấu ở mức độ cao nhất, theo AP. Hai nỗ lực điều tra ban đầu từng bị các quan chức cấp cao đàn áp, hai người này sau đó còn tiến xa hơn trên con đường chính trị, một người vẫn đang là cố vấn cấp cao của đảng cầm quyền Saenuri hiện nay.
Hàng hóa do lao động ở Brothers làm ra được chuyển tới châu Âu, Nhật Bản và có thể xa hơn. Những gia tộc quản lý Brothers Home vẫn tiếp tục điều hành các cơ sở phúc lơi xã hội và trường học, cho đến hai năm trước.
Một số nạn nhân lên tiếng, yêu cầu mở cuộc điều tra. Chính phủ Hàn Quốc đang cố ngăn cản các nghị sĩ đảng đối lập yêu cầu mở lại vụ việc, với lý do bằng chứng đã quá cũ.
Ahn Jeong-tae, một quan chức Bộ Nội vụ cho biết, nạn nhân của Brothers Home từng đệ trình vụ việc nhiều năm trước lên một ủy ban điều tra.
"Chúng tôi không thể đưa ra từng đạo luật riêng cho mỗi vụ", Ahn nói.
Chính phủ vẫn không chính thức lên tiếng. Hàng nghìn nạn nhân vẫn không được nhận bồi thường, được chính thức thừa nhận và xin lỗi.
"Chính phủ luôn cố gắng che giấu chuyện đã xảy ra. Chúng tôi còn cách nào khác?" Choi nói. "Hãy nhìn tôi đây này. Tôi đang khóc, tuyệt vọng kể cho các anh nghe chuyện đời mình. Xin hãy lắng nghe chúng tôi".
Năm 1986, cảnh sát được các chủ cửa hàng hỗ trợ, đã thu gom trẻ em, ăn mày, người bán hàng rong, người khuyết tật, người chống đối vào 36 cơ sở toàn quốc, với số lượng khoảng 16.000 người, theo các tài liệu của chính phủ mà AP có được.
Gần 4.000 người bị đưa vào cơ sở chính Brothers Home. Vào thời kỳ đỉnh cao, cơ sở này có hơn 20 nhà máy nằm sau các hàng rào canh phòng cẩn mật tại thành phố cảng miền nam Busan, bán ra các sản phẩm mà "tù nhân" làm không công.
Khoảng 90% số nạn nhân đáng lẽ không bị đưa vào đó, vì không đủ điều kiện là người "lang thang cơ nhỡ" mà chính phủ quy định, cựu công tố viên Kim Yong Won cho biết, dựa trên hồ sơ và các cuộc phỏng vấn ông thu thập được năm 1987 trước khi quan chức chính phủ chấm dứt cuộc điều tra của Kim.
Lee Chae-sik, một nạn nhân, cho biết ông theo dõi Kim Kwang-seok, chấp hành viên trưởng, là người cầm đầu các cuộc đánh đập gây tử vong mỗi ngày trong "phòng sửa sai". Lee cho biết, ông còn nhìn thấy báo cáo đôi khi số người chết lên tới 5 người mỗi ngày. AP nhiều lần thử truy dấu Kim nhưng không thành.
Mười một nhà máy trên danh nghĩa là nơi dạy nghề cho tù nhân, thực tế có khoản lợi nhuận lớn vào cuối năm 1986, theo những tài liệu độc quyền của chính quyền Busan mà AP có được. Theo đó, Brothers đáng lẽ phải trả số tiền theo tỷ giá hiện tại là 1,7 triệu USD cho hơn 1.000 người, làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Tuy nhiên, theo công tố viên Kim, dựa trên tài liệu ông có, không người nào được trả lương và đều bị cưỡng bức lao động.
Park In-keun, chủ của Brothers, phủ nhận việc này, tuyên bố ông chỉ làm theo lệnh chính phủ. Mọi nỗ lực liên lạc với ông Park thông qua bạn bè, gia đình và các nhà hoạt động đều bất thành.
Lim Young-soon, quản lý cao cấp thứ hai của Brothers, giải thích lý do tỷ lệ người chết cao trong các cơ sở vì khi đưa vào trại, họ đều trong tình trạng sức khỏe kém.
"Họ đã có thể chết ngoài đường bất kỳ lúc nào", Lim trả lời phỏng vấn qua điện thoại.
Vào ngày thứ hai tới Brothers Home, Choi nhìn thấy một nhân viên bảo vệ túm tóc một phụ nữ, lấy dùi cui đánh cô chảy máu.
Số người chết trên sổ sách do Brothers công bố là 513 người trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1986, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Hầu hết những người mới vào Brothers có sức khỏe tốt, theo hồ sơ của chính phủ. Tuy nhiên, trong vòng một tháng đầu đến Brothers, có ít nhất 15 người chết trong năm 1985, và 22 người trong năm 1986.
Tình cờ phát hiện
Trong một lần đi săn gà lôi, Kim, lúc đó là công tố viên mới được bổ nhiệm ở thành phố Ulsan, tình cờ thấy một tù nhân ăn mặc rách rưới làm việc trên sườn núi. Bảo vệ cho biết họ đang xây dựng một trang trại cho chủ sở hữu Brothers Home gần Busan.
Kim và 10 cảnh sát nữa đã đột kích Brothers vào tháng 1/1987. Tuy nhiên, lần nào có bước ngoặt trong cuộc điều tra, lại có quan chức cấp cao muốn bịt miệng ông, một phần vì sợ tiếng xấu trước kỳ thế vận hội. Văn phòng tổng thống lúc đó ép Kim hạn chế cuộc điều tra và vận động xử phạt chủ sở hữu nhẹ hơn.
Park Hee-tae, cấp trên của Kim, lúc đó là trưởng công tố viên Busan, sau đó trở thành bộ trưởng tư pháp, đã gây sức ép co hẹp phạm vi điều tra, Kim nói, bao gồm buộc ông phải dừng phỏng vấn các nạn nhân của Brothers. Park hiện là cố vấn cấp cao cho đảng cầm quyền, từ chối lời mời phỏng vấn của AP. Thư ký của ông ta cho biết, Park không nhớ nội dung cụ thể cuộc điều tra.
Kim, giờ 61 tuổi, là đối tác quản lý tại một công ty luật ở Seoul, cho biết nhiều cấp trên cũng từng ngăn cản ông buộc tội chủ sở hữu Brothers vì tình nghi lạm dụng lao động ở cơ sở chính, hạn chế ông theo đuổi điều tra.
Mặc dù bị cản trở, nhưng Kim cũng thu thập được nhiều hồ sơ ngân hàng và các giao dịch tài chính cho thấy, chỉ tính riêng hai năm 1985 và 1986, chủ sở hữu đã biển thủ số tiền lớn từ các khoản trợ cấp của chính phủ. Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 1989 đã tuyên án hai năm rưỡi tù giam đối với Park vì tội tham ô và vi phạm luật xây dựng, quản lý đồng cỏ và ngoại tệ.
Brothers cuối cùng cũng đóng cửa năm 1988.
Trong khi hầu hết các nạn nhân giữ thái độ yên lặng, thì một số ít lên tiếng đòi xin lỗi và yêu cầu chính phủ thừa nhận đã khuyến khích cảnh sát bắt cóc và nhốt người trái phép.
"Làm thế nào mà chúng tôi quên nổi nỗi đau thể xác khi bị đánh đập, những xác chết, công việc lao động chân tay nặng nhọc, nỗi sợ hãi... tất cả những hồi ức tồi tệ", Lee nói. Ông đang là quản lý một khách sạn ven hồ. "Nó sẽ ám ảnh chúng tôi đến lúc chết".
Hồng Hạnh