Theo Guardian, hàng trăm người trẻ thuộc thế hệ Y đã chia sẻ về nỗi e ngại giấu kín lâu nay trên chuyên mục "Không chỉ riêng bạn" của báo.
Dưới con mắt nhiều người, Lucy, 23 tuổi, đang làm tất cả mọi thứ rất ổn. Cô tốt nghiệp trường đại học hàng đầu và đang thực tập ở London, niềm mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường, với hy vọng thực hiện sự nghiệp ước mơ của mình.
Thế nhưng, nỗi lo về khoản nợ sinh viên hàng tháng cùng với số tiền ít ỏi trong tài khoản ngân hàng luôn thường trực trong tâm trí, đè nặng lên hoài bão của Lucy.
"Tại sao tìm việc lại khó như thế? Tôi chỉ muốn có đủ lương để tiết kiệm được một khoản nhỏ mỗi tháng", cô nói. "Trong tài khoản của tôi giờ chỉ có 64 USD. Tháng này tôi cũng lạm chi. Tôi đi thực tập toàn thời gian, nhưng công ty trả lương rất thấp".
"Tôi tốt nghiệp trường đại học trong top 10 thế giới. Nhưng tôi lo lắng sẽ không bao giờ mua được nhà riêng, hoặc luôn phải ở chung nhà với người khác", cô tâm sự.
Tổng số thanh niên Anh dưới 35 tuổi có nhà riêng kể từ năm 2010 tới nay đã giảm 280.000 người. Năm 1991, một phần ba người Anh ở độ tuổi 16-24 sở hữu nhà riêng. Đến năm 2011, con số này chỉ còn khoảng 10%. Năm 1991, 67% người trong nhóm tuổi 25-34 là chủ hộ gia đình, chủ sở hữu nhà. Trong năm 2011-12, tỷ lệ này giảm xuống còn 43%.
"Tôi lo ngại rằng, tôi và hàng ngàn người thuộc thế hệ của tôi, sẽ không bao giờ có thể sở hữu ngôi nhà của mình. Tôi lo lắng việc này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của tôi với người tôi yêu thương nhất trên thế giới", Toby, 26 tuổi, bày tỏ lo lắng về gia đình tương lai.
"Đó chỉ cần là một nơi mà tôi có thể đi vào bếp mà không phải lo lắng chủ nhà xuất hiện không báo trước, nơi mà tôi có thể sơn tường màu mình muốn, và một ngày nào đó, tôi có thể có con ở đây".
"Cơ hội để cải thiện cuộc sống gia đình, chỉ với một chút ít về an ninh, trong một căn hộ yên tĩnh, hạnh phúc, có thể không có vẻ là nhiều, thậm chí nó có thể nhàm chán với một số người. Nhưng mỗi ngày khi tôi nhìn xung quanh, tôi càng cảm thấy nó như một giấc mơ không thể", Toby nói.
Gánh nặng nợ nần
Gemma, một thanh niên ở Essex, lo lắng rằng chi phí sinh hoạt đắt đỏ sẽ đặt gánh nặng lên cuộc sống tương lai. "Nỗi lo lớn nhất của tôi là phải làm việc cả đời mà vẫn nợ nần chồng chất, không bao giờ sở hữu lấy một ngôi nhà hoặc có con".
"Chi phí thuê nhà, đi lại, sinh hoạt đều đang tăng cao, duy chỉ có tiền lương là không phản ánh đúng mức tăng này. Tôi đã chọn làm việc trong lĩnh vực từ thiện để thực hiện niềm đam mê của mình. Tuy nhiên, tôi lo lắng rằng với số tiền dự trữ hạn hẹp, việc tiết kiệm cho khoản tiền đặt cọc thế chấp, hay việc có một đứa con sẽ vượt ra khỏi tầm với".
"Tôi lo lắng rằng chủ nghĩa tư bản đang thúc đẩy điều này và tạo ra sự bất bình đẳng về của cải nhiều hơn", Gemma nhận định.
Cậu sinh viên 22 tuổi Adam đến từ Portsmouth, lo không có cơ hội tốt nghiệp và bằng đại học không giúp gì cho cuộc sống tương lai mà chỉ đem lại nợ nần.
"Tôi lo lắng rằng sau khi tốt nghiệp, cuộc sống sẽ không dễ dàng như các thế hệ sinh viên trước. Tôi muốn tìm một công việc đòi hỏi bằng cấp. Tôi nghĩ rằng thật đáng ngại khi bỏ ra ba năm học tập và vay nợ trả học phí để cuối cùng vẫn làm công việc bán lẻ mà tôi đã từng làm trước khi học đại học, thậm chí thu nhập còn kém hơn".
Vỡ mộng
So với nhiều người, Lizzie, 30 tuổi, sống ở London có một cuộc sống tuyệt vời. Cô có bạn trai, kiếm được công việc toàn thời gian. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy vỡ mộng mà lại không thể công khai nói ra, vì bản thân có cuộc sống khá giả.
"Tôi lo rằng sẽ không bao giờ được sống theo ý thích, lúc nào cũng sợ rằng cho đến 50 tuổi vẫn tiếp tục cuộc sống nhàn nhạt như thế này".
"Thời niên thiếu, chúng tôi được bảo rằng có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Nay tôi bắt đầu nhận ra mình không tài giỏi, thông minh hay đặc biệt như đã tưởng. Tôi không nổi tiếng trên Instagram, không được dự những buổi dạ yến xa hoa, cũng chẳng có những đứa con xinh đẹp", cô nói.
"Trong cuốn kỷ yếu ở trường Suffolk nhỏ bé của tôi, chỉ riêng một lớp đã có ba đứa trẻ muốn trở thành thủ tướng. Nó còn tệ hơn đối với những người bạn của tôi, từng mơ ước trở thành diễn viên nổi tiếng thì bây giờ lại làm giáo viên hoặc nhân viên bán hàng".
Nhìn bề ngoài, những thanh niên trẻ của nước Anh có cuộc sống tuyệt vời, nhưng nhiều người có vẻ như đều đang âm thầm tự hỏi không biết mình đã làm sai chuyện gì. "Nhìn thấy những người có địa vị xã hội như mình trở nên thành công, tôi cảm thấy như có lưỡi dao ghen tị thọc sâu vào lườn", Lizzie cho biết.
Phương Anh