Tới thăm Vạn Lý Trường Thành, du khách nào cũng muốn leo đủ 22 tháp canh ở Mộ Điền Cốc thuộc quận Hoài Nhu, cách thành phố Bắc Kinh 70 km về phía đông bắc, mặc cho nắng nóng, những bậc thang dốc và cả đội quân bán hàng rong.
Sau hai tiếng leo bộ dưới cái nắng gay gắt cuối hè và đến được tháp canh đầu tiên, những du khách rã rời vì đi bộ sẽ nhìn thấy Wang Caihua và chiếc bàn bày đồ lưu niệm của bà đặt trên bậc thang dốc.
Wang đứng khua lá cờ tổ quốc cỡ lớn và cúi xuống. Chiếc áo dài tay của Wang phồng lên trong gió lộng còn chiếc mũ lưỡi trai màu xanh che khuất khuôn mặt rám nắng, bà đon đả mời khách.
Với phần lớn du khách, chuyến đi tới Vạn Lý Trường Thành là cuộc hành hương hiếm có trong cuộc đời. Còn với Wang, đó là công việc thường ngày của bà.
Suốt 7 năm qua, Wang bán đồ lưu niệm và nước giải khát ở khu vực Mộ Điền Cốc, một phần của Vạn Lý Trường Thành. Hàng ngày, bà phải dậy từ 5h sáng đi bộ suốt 2 tiếng qua đoạn đường lầy lội gần làng Beigou rồi leo lên địa điểm bán hàng quen thuộc. Công việc của bà bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc lúc 5h30 chiều.
Bà làm công việc ấy vì muốn kiếm tiền nuôi cậu con trai 21 tuổi đang học ngành dược ở Bắc Kinh. Cô con gái 31 tuổi của Wang, cũng học đại học ở thủ đô, đã bổ túc cho mẹ vài cụm từ tiếng Anh, giúp bà giao tiếp dễ dàng hơn với du khách nước ngoài.
Đứng dưới bóng của chiếc ô lớn che quầy hàng tạm bợ, Wang tâm sự: "Tôi làm việc này là để hỗ trợ các con đi học".
Thế nhưng Wang hay những người bán hàng rong khác có thể sớm phải từ bỏ công việc kiếm cơm quen thuộc. Công ty dịch vụ du lịch Mộ Điền Cốc Vạn Lý Trường Thành lo ngại những người bán hàng rong sẽ gây phiền toái tới du khách. Hãng thậm chí còn đang xem xét giải tán đội ngũ này. Các nhân viên của công ty đã tịch thu hàng hóa của những người bán hàng rong như Wang.
Chang Xilin có sạp hàng phía trên Wang, tức giận trước nỗ lực muốn tống khứ những người bán hàng. Suốt 4 năm qua, Chang buôn bán ở đây và cung cấp dịch vụ cần thiết cho du khách.
"Vâng, tôi bán nước để kiếm tiền nhưng chúng tôi cũng phục vụ mọi người đúng không?", người phụ nữ 37 tuổi ấy đặt câu hỏi.
Chang quyết định bán hàng lưu niệm ở Vạn Lý Trường Thành khi cô không thể kiếm đủ tiền cho các con ăn học. Giống bà Wang, Chang cùng chồng mang theo một túi chứa đầy chai nước cùng nhiều món hàng khác tới điểm du lịch Mộ Điền Cốc bày bán.
Hàng tháng, vợ chồng cô kiếm được khoảng 333 đến 500 USD. Mùa hè, lượng khách du lịch tăng đồng nghĩa với việc cô kiếm được nhiều tiền hơn. Chang cho biết, mặt hàng bán chạy nhất là nước lạnh.
China Daily dẫn lời Cao Haishan, quản lý dịch vụ của công ty dịch vụ du lịch trên, cho biết sự có mặt của đội ngũ bán hàng rong hiện tại ở Vạn Lý Trường Thành không vi phạm pháp luật, tuy nhiên, việc kinh doanh của họ không quy củ.
Mộ Điền Cốc mở cửa đón khách vào cuối những năm 1980 sau khi được chính phủ tu sửa lại và làn sóng khách du lịch nước ngoài tăng cao. Theo Chris Che, hướng dẫn viên của Hãng lữ hành WildChina có trụ sở tại Bắc Kinh, Mộ Điền Cốc không đông khách bằng những địa điểm khác do ở xa thủ đô.
Kể từ sau Thế vận hội Mùa hè 2008 diễn ra tại Bắc Kinh, lượng khách tới đây mới đông lên. Gần đây, nơi này thu hút phần lớn khách nước ngoài, ước tính tỷ lệ là 50-50 giữa khách Trung Quốc và khách đến từ quốc gia khác. Che cho rằng việc điều chỉnh đội ngũ bán hàng rong sẽ giúp các điểm du lịch hút khách tốt hơn.
Với các bà như Wang và Chang, việc bị tịch thu hàng hóa là một cú đánh nặng nề. Không hàng, không tiền, họ gặp khó khăn khi phải nuôi con ăn học. Chẳng còn cách nào khác, họ vẫn phải quay lại bám vào bức tường thành nổi tiếng.
"Chúng tôi có thể làm gì kiếm ra tiền nếu không bán hàng ở đây?", Chang nói.
Bình Minh