Nhạc cụ bị nước biển bào mòn và hiện không thể chơi được, được cho là thuộc về nhạc trưởng Wallace Hartley, một trong hơn 1.500 nạn nhân vụ chìm tàu.
Câu chuyện ban nhạc của Hartley tiếp tục chơi trên boong tàu đến giờ chót của thảm họa là một đoạn khó quên trong bộ phim "Titanic" của James Cameron. Khi đó, Hartley và đồng nghiệp chơi bài Thánh ca "Càng gần Chúa hơn" khi những hành khách xung quanh la hét và chết đuối trong nước lạnh.
Video: Tiếng đàn violon réo rắt khi tàu Titanic sắp chìm
Chiếc đàn vĩ cầm được tìm thấy trong một chiếc túi buộc vào thi thể nhạc trưởng khi được trục vớt từ dưới nước băng giá. Đàn là món quà của người yêu Hartley, Maria Robinson. Năm 2006, nó được phát hiện trong một gác mái ở Yorkshire, Anh, và sau 7 năm nghiên cứu mới được công nhận là đồ thật.
Theo Telegraph, một nhà sưu tập các kỷ vật của tàu Titantic người Anh hôm qua mua nó với giá 1,45 triệu USD. Khi cộng các chi phí khác, tổng chi phí là 1,7 triệu USD.
Nó phá kỷ lục thế giới trước đó của một đồ vật liên quan đến Titanic là sơ đồ tàu, dùng trong cuộc điều tra con tàu đắm vào năm 1912. Tấm sơ đồ được bán với giá hơn 350.000 USD cách đây hai năm.
"Cây đàn là biểu tượng của tình yêu. Một nam thanh niên buộc nó vào người vì đó là món quà đính hôn của người yêu. Nó cũng thể hiện sự dũng cảm. Ông ấy biết sẽ không có thuyền cứu sinh", Andrew Aldridge, một chuyên gia định giá của nhà đấu giá, nói về ý nghĩa cây đàn.
"Nó tượng trưng cho mọi điều tốt đẹp của con người, không chỉ Wallace Hartley và dàn nhạc của ông, mà còn của tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ thiệt mạng", ông nói.
Titanic là tàu du lịch sang trọng, chở theo hơn 1.300 hành khách và 900 thủy thủ đoàn, đi từ châu Âu đến châu Mỹ. Titanic đâm phải một tảng băng lúc 23h40 ngày 14/4/1912 tại địa điểm cách Newfoundland của Canada 740 km và chìm trong vòng hơn hai giờ đồng hồ.
Chỉ có 713 người được cứu sống. Những người còn lại, gồm cả giới thượng lưu trong xã hội lẫn những người lao động nghèo khó, cùng với con tàu huyền thoại mãi mãi nằm lại dưới lòng Đại Tây Dương.
Trọng Giáp