Vào ngày trọng đại nhất của mình, Nasoin Akhter, 15 tuổi sống ở Manikganj, Bangladesh, nhìn u sầu hơn là hạnh phúc theo nhận xét của nhiếp ảnh gia Allison Joyce. Người cô sắp gọi bằng chồng là Mohammad Hasamur Rahma, 32 tuổi.
"Theo truyền thống của nơi đây, các cô dâu nhìn khá nhút nhát và rụt rè trong đám cưới của mình. Nhưng tôi nhận thấy nỗi buồn ẩn sâu bên trong, và cả sự sợ hãi của cô bé khi em ngồi trong phòng với bạn bè của mình, hay tại buổi lễ cùng những người chị gái (những người cũng kết hôn khi ở độ tuổi Nasoin). Cô dâu trẻ khá yên lặng", Joyce ghi thêm cảm nhận của mình trong email gửi về The Washington Post.
Cuộc hôn nhân của Nasoin là bất hợp pháp ở Bangladesh do cô dâu chưa đủ tuổi, tuy nhiên việc tương tự diễn ra thường xuyên và khá phổ biến. Do đây là quan điểm, truyền thống của người dân bản địa nên những lời hứa của chính phủ cũng như sự can thiệp của nhiều tổ chức phi chính phủ từ bên ngoài vẫn không hạn chế được nhiều cuộc tảo hôn như thế này.
Theo công bố vào tháng 6 của Human Rights Watch (Tổ chức theo dõi nhân quyền - HRW), quốc gia Nam Á này có tỷ lệ tảo hôn cao thứ 4 trên thế giới, với 29% cô gái kết hôn trước tuổi 15 và 65% trước tuổi 18. Cũng theo báo cáo từ các bang của Bangladesh, tảo hôn sẽ buộc các cô gái đối diện với nhiều lo ngại về sức khỏe như mang thai khi cơ thể còn quá nhỏ, nạn bạo lực gia đình và khả năng gia tăng nghèo đói. Các cô gái xuất thân từ tầng lớp thấp, gia đình nghèo khó có tỷ lệ kết hôn tăng gấp 2 lần.
Tuy nhiên, chính cái nghèo và hủ tục cùng lo ngại con gái dễ dàng gặp phải vấn nạn quấy rối tình dục là những lý do chính thuyết phục phần lớn cha mẹ muốn gả con gái sớm. Họ tin rằng, họ đang làm điều tốt nhất cho con. "Dù sao thì một cô gái lấy chồng rồi vẫn an toàn hơn", không ít người nghĩ thế.
Trên Instagram, nhiếp ảnh gia Joyce đăng ảnh Nasoin và chú thích: "Cô dâu buồn nhất mà tôi từng thấy". Điều khiến cô ngạc nhiên hơn nữa là nhà Nasoin không phải thuộc dạng nghèo. Cha cô là một thương gia giàu có, ông sở hữu nhiều ngôi nhà khang trang. Khoảng 2.000 khách được mời đến dự đám cưới và họ giết hàng chục con bò, hàng trăm con gà để đãi tiệc.
Ngoài Nasoin, Joyce còn chụp nhiều đám cưới trẻ con khác. Một trong số đó là cô dâu trẻ 13 tuổi Mousammat Akhi Akhter. Mousammat tâm sự với Joyce rằng em muốn lớn hơn chút nữa mới phải làm đám cưới với Mia Mohammad, người chồng 27 tuổi của mình. Nhưng em khẳng định, truyền thống và áp lực của xã hội đã tác động khiến cha mẹ bắt con gái kết hôn khi vừa học xong lớp 6.
"Em ấy nói với tôi đã rất sợ hãi và chưa sẵn sàng lấy chồng", Joyce nhớ lại. "Trước đám cưới, các cô gái trẻ đều có mơ ước của mình. Họ đều thích đến trường và hy vọng nhiều điều tốt đẹp cho tương lai. Mousammat rất thích toán học và trở thành giáo viên. Nhưng mọi thứ đều chấm dứt khi cô kết hôn".
Khi chụp ảnh đám cưới của Mousammat vào năm ngoái, nữ phóng viên đã phỏng vấn mẹ cô dâu. Bà mẹ cho biết ở đây, chẳng người đàn ông nào muốn cưới một cô vợ quá già, ngoài 18 tuổi. Hơn nữa, việc có chồng giúp Mousammat được bảo vệ, không bị quấy rối khi đi ra ngoài. "Tôi cũng yêu cầu chồng con bé dùng bao cao su trong vài năm đầu. Nên tôi nghĩ mọi việc ổn thôi", người mẹ cho biết.
Ngoài ra, các quan chức địa phương cũng tiếp tay cho nạn tảo hôn này. Họ được người nhà của cô dâu chú rể "hối lộ" và làm giả giấy khai sinh, khai tăng tuổi của các cô gái. Do đó, ước mơ về một cuộc sống được tận hưởng mọi thú vui như bao đứa trẻ khác trên thế giới của các cô bé ở Bangladesh vẫn mãi chỉ là hy vọng viển vông.
Bangladesh nằm ở Nam Á, có biên giới với vịnh Bengal, giữa Burma và Ấn Độ. Thủ đô là Dhaka. Đây là quốc gia có dân số trẻ, người dân ở độ tuổi 0-14 chiếm 33%, chỉ có 5,7% dân số ở độ tuổi 55-64. Trên 64 tuổi chỉ chiếm 4,9%. Bangladesh có khí hậu nhiệt đới. 90% dân số theo đạo Hồi. Ấn Độ giáo là đạo lớn thứ hai ở đây. |
Anh Minh (theo The Washington Post)