Xiao Tong đang đứng mời khách trên đường phố Bắc Kinh thì một người đàn ông tiến đến và lừa cô vào trong ôtô của anh ta. Người này giơ phù hiệu cảnh sát ra trước mặt Xiao và đưa cô về đồn. Lần khác cũng ở vị trí đó, cảnh sát lôi tay của Xiao rồi đấm, trước khi tháo áo ngực của cô ra để khám xét cơ thể.
"Họ hỏi những câu thật ghê tởm, kiểu như cô quan hệ tình dục như thế nào", Xiao kể. "Tôi quay lại và hỏi ngược 'anh có muốn thử không?', và sau đó hắn ta đá tôi, thực sự là hắn đã đá tôi".
Còn Xia Yu, đã nhiều năm qua cô không về thăm nhà vì sợ gia đình sẽ bị xấu hổ với giới tính thật của cô. Yang Zhou từng phải xuống khỏi tàu điện ngầm để tránh ánh nhìn soi mói của những người lạ.
Những người bán dâm là người chuyển giới như Xia, Yang và Xiao (tên giả) nằm trong số những người bị tổn thương và bị xa lánh nhất ở đại lục ngày nay, tổ chức phi chính phủ Asia Catalyst, chuyên về sức khỏe và nhân quyền ở Trung Quốc và Đông Nam Á, cho biết trong một bản báo cáo nghiên cứu chi tiết.
Bản báo cáo dày 79 trang có tựa đề "Cuộc sống tăm tối: Cuộc khảo sát về điều kiện sống của các lao động tình dục là người chuyển giới nữ ở Bắc Kinh và Thượng Hải". Báo cáo chỉ ra rằng những người này phải chịu đựng sự tẩy chay của xã hội, khiến họ dễ bị lạm dụng khi rơi vào tay các nhân viên thực thi pháp luật.
Định kiến là trở ngại khiến người chuyển giới không thể sống thật với chính mình trong cuộc sống thường ngày. Một số là người chuyển giới chia sẻ với Asia Catalyst rằng họ sợ phải dùng phương tiện giao thông công cộng, hay mặc những gì mình muốn, hoặc thậm chí ra khỏi nhà để đi mua sắm.
"Hãy tưởng tượng, họ bị cười nhạo khi dùng nhà vệ sinh công cộng, bị đuổi khỏi nhà, hay thậm chí tồi tệ hơn là việc tự tiêm hormone nguy hiểm do không bác sĩ nào chịu tiếp nhận", Zheng Huang, giám đốc tổ chức AIDS Shanghai Xinsheng, cho hay.
Theo Reuters, Asia Catalyst, phối hợp cùng hai tổ chức phi lợi nhuận khác, tiến hành phỏng vấn 70 người hành nghề bán dâm ở Bắc Kinh và Thượng Hải, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2013 đến tháng 9/2014. Tất cả những người được phỏng vấn đều mang giới tính sinh học là nam (sinh ra trong hình hài của nam giới), nhưng lại có bản dạng giới tính nữ và hành nghề như nữ giới.
Ở Trung Quốc, người chuyển giới không bị xem vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quốc gia này thiếu điều luật chống kỳ thị phân biệt và những nguồn y tế cơ bản khiến nhiều người cảm thấy bị kẹt dưới nấc thang cuối cùng của xã hội.
Tình trạng trên lại hoàn toàn khác với Thái Lan. Tuần trước, nước này đưa vào dự thảo hiến pháp mới việc lần đầu tiên công nhận "giới tính thứ ba". Động thái đó giúp cộng đồng những người chuyển giới có thêm quyền lực và đảm bảo cho họ được đối xử công bằng hơn về mặt pháp lý. Tuy nhiên, Thái Lan không công nhận kết hôn đồng giới.
Người Trung Quốc nói chung khó chấp nhận chuyển đổi giới tính. Định kiến xã hội buộc nhiều người chuyển giới phải che giấu cuộc sống của mình, và không muốn để gia đình biết. 97% người được hỏi nói rằng họ rời xa quê hương. Nhóm hành nghề mại dâm là người chuyển giới rất đa dạng, bao gồm cả đồng tính nam, người chuyển giới và người đã qua phẫu thuật thay đổi giới tính.
Bản báo cáo còn tiết lộ "số phần trăm đáng kể" những phụ nữ chuyển giới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện hành nghề mại dâm.
"Một số người bán dâm vì cần tiền. Họ kể với chúng tôi rằng họ kiếm được nhiều hơn sau khi ăn mặc như phụ nữ", SCMP dẫn lời Shen Tingting, giám đốc chương trình luật sư của Asia Catalyst, nói. "Tuy nhiên tất cả họ đều có những động cơ khác nhau".
Nhiều người không thể tìm được công việc khác, trong khi một thành viên tham gia cuộc khảo sát tin rằng nghề mại dâm sẽ giúp cô tìm được bạn trai.
Bình Minh