Theo RT, Familiensport-und FKK-Bund Waldteichfreunde là nhóm người khỏa thân sinh sống ở khu vực Moritzburg, phía đông nước Đức. Họ thích không mặc quần áo đi lại cả ngày ngoài trời, và e ngại lối sống này sẽ bị đe dọa nếu chính phủ xây trại tị nạn ở đây.
Những người theo chủ nghĩa tự nhiên này đã phát động cuộc biểu tình phản đối đề xuất xây dựng trị giá 1,7 triệu USD của chính phủ. Theo Petra Hoffman, một lãnh đạo nhóm, các thành viên của cộng đồng e ngại sẽ bị người tị nạn và người di cư tấn công tình dục.
Hoffman lập luận cộng đồng đã sinh sống ở khu vực đó hơn một thế kỷ, vì thế có quyền lên tiếng phản đối dự án này.
"Kể từ năm 1905 đến nay, hơn 400 thành viên của chúng tôi vẫn duy trì lối sống và văn hóa khỏa thân này", bà Hoffman nói. "Tôi cho rằng thật không khôn ngoan nếu xây dựng trại tị nạn ở đây".
Chính quyền địa phương cho biết họ đang cân nhắc đến nỗi e ngại của cộng đồng người khỏa thân. Tuy nhiên, đại diện chính quyền nhấn mạnh, các trại tị nạn sẽ không được sử dụng trong mùa hè - thời gian mà cộng đồng người khỏa thân thích đi lại ngoài trời nhất.
"Các tòa nhà mới xây chỉ để dự trữ, không được sử dụng trong những tháng hè ấm áp", Kerstin Thoens, phát ngôn viên chính quyền huyện Meissen nói.
Thoens cho biết chính quyền sẽ xây bức tường ngăn riêng tư giữa nhà ở của người tị nạn và cộng đồng người thích khỏa thân, nhấn mạnh những người tới Đức tị nạn cần phải nhập gia tùy tục, thích nghi với văn hóa địa phương - bao gồm cả văn hóa khỏa thân.
Bà nói thêm chính quyền sẽ giúp những người tị nạn trẻ tuổi, nhất là đàn ông, hiểu về văn hóa khỏa thân và chấp nhận nó.
"Tôn trọng và khoan dung là cách chung sống hòa bình tốt nhất", bà Thoens nói.
Từ sau "đêm giao thừa nhục nhã" ghi nhận hơn 500 vụ tấn công tình dục ở Cologne, nhiều vụ bạo lực tình dục liên quan tới người tị nạn và người di cư nổi lên ở Đức.
Hồi tháng hai, một nữ sinh tố cáo bị người tị nạn quấy rối tình dục ở thị trấn Bad Schlema. Cùng tháng đó, hai hành khách lớn tuổi trên tàu điện ngầm Munich bị một nhóm thanh niên Trung Đông tấn công vì bảo vệ một phụ nữ bị nhóm người quấy rối tình dục.
Đức là quốc gia thu nhận nhiều nạn dân nhất châu Âu. Năm 2015, quốc gia này thu nhận 1,1 triệu người, trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến II. Theo Liên Hợp Quốc, hầu hết những người này đến từ Syria, đất nước xảy ra nội chiến từ năm 2011 khiến hơn 250.000 người thiệt mạng và hơn 12 triệu người phải sơ tán.
Xem thêm: Đức ghi nhận hơn 500 vụ tấn công ở Cologne
Hồng Hạnh