Ông Yahyo Odinaev, giám đốc Trung tâm Pháp y Quốc gia tại Dushanbe cho biết nhiều trường hợp đàn ông "không thể quan hệ trong đêm tân hôn do thiếu kinh nghiệm hoặc áp lực tâm lý" nhưng lại đổ lỗi cho cô dâu, theo Rferl.
Tajikistan có 98% dân số theo đạo Hồi, chủ yếu kết hôn qua mai mối. Phụ nữ nếu mất trinh hoặc ngủ đêm ở nhà người khác sẽ bị đánh giá là hư hỏng và không có cơ hội kiếm được người chồng tử tế.
Luật pháp yêu cầu kiểm tra sức khỏe bắt buộc với cả nam và nữ để tránh kết hôn cận huyết và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, kiểm tra trinh tiết chỉ được tiến hành nếu cả hai gia đình có yêu cầu. Theo kết quả thăm dò năm 2015 của Trung tâm Pháp y Quốc gia, 78% số cô dâu thực hiện kiểm tra trinh tiết theo đòi hỏi của chú rể và họ hàng nhà trai.
Hồi tháng 5, Rajabbi Khurshed, 18 tuổi, kết hôn với Zafar Pirov, 24 tuổi do bố mẹ hai bên sắp xếp mà chưa hề biết mặt chú rể. Dù đã thực hiện thủ tục kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, bao gồm kiểm tra trinh tiết theo yêu cầu của hai gia đình nhưng Rajabbi vẫn bị Pirov nghi ngờ đã "mua giấy".
Pirov đưa vợ tới hai phòng khám nữa ở thủ đô Dushanbe để kiểm tra. Cả hai phòng khám đều xác nhận cô gái còn trong trắng nhưng Pirov vẫn bác bỏ và tuyên bố sẽ bắt vợ "nói ra sự thật"
Vài tuần sau kết hôn, Pirov đòi lấy vợ hai. Khurshed không đồng ý. 40 ngày sau đám cưới, cô uống giấm tự tử. Nhà chức trách cho biết cô gái trẻ qua đời trong bệnh viện ở Chorbogh, tỉnh miền nam Vose sau vài giờ cấp cứu.
Gia đình Khurshed tuyên bố con gái tự tử do quá áp lực trước đòi hỏi lấy vợ hai của chồng và "không thể chịu đựng thêm nữa".
Bà Fazila Mirzoeva, mẹ của Khurshed nói rằng con gái chưa từng có bạn trai hoặc quan hệ thân thiết với bất kỳ ai. Con bà còn trong trắng và có giấy chứng nhận của bác sĩ. Bà khẳng định con gái là nạn nhân của "sự vu khống và bạo hành", kêu gọi công chúng phản đối lên Tổng thống Emomali Rahmon và chính quyền để bảo vệ danh tiết cho Khurshed.
Tòa án Vose đã ban lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú với Pirov trong lúc chờ phiên tòa xét xử được ấn định. Pirov bị bắt giam hôm 12/7, có thể bị buộc tội khiến vợ tự tử và đối mặt với án tù 8 năm. Tuy nhiên, anh này biện hộ cô dâu không còn là trinh nữ trong đêm tân hôn và đã cho phép mình lấy vợ hai.
"Cô ta uống giấm lúc ở nhà bố mẹ đẻ", Pirov nói. "Cô ta đã tự viết giấy cho phép tôi cưới vợ hai bởi vì thất trinh trước hôn nhân".
Năm 2014, các tòa án Tajikistan ghi nhận 600 vụ tranh chấp trinh tiết trước khi quy định kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân được đưa ra năm 2015. Đa số là các vụ vợ tố cáo chồng vu khống mình "thất trinh" trong đêm tân hôn.
Năm 2014, Husnigul, cô dâu 19 tuổi ở thủ đô Dushanbe đã thắng kiện người chồng tội vu khống và đánh đập, đưa cô về nhà bố mẹ đẻ ngay đêm tân hôn với cáo buộc vợ "thất trinh".
Husnigul được tòa án chỉ định kiểm tra y tế và kết luận cô vẫn còn trong trắng. Tòa tuyên bố cô dâu là trinh nữ, buộc chú rể bồi thường tài chính. Husnigul đã nộp đơn ly dị chồng, từ chối đề nghị hòa giải.
Tuy nhiên, những vụ thắng cuộc như Husnigul rất hiếm. Đa số các trường hợp rơi vào tình huống như Khurshed.
Trước khi dự luật được thông qua năm 2015, các nhà bảo vệ quyền phụ nữ đã kịch liệt phản đối, tuyên bố đây là hành động vi phạm nhân quyền, còn nhà chức trách thì bảo vệ.
"Nếu một cô gái từng có quan hệ trước hôn nhân, vậy phải làm rõ ràng và người chồng tương lai có quyền được biết", Rahimov, một cán bộ Bộ Tư pháp Tajikistan nói.
"Hãy nghĩ xem, một gia đình sẽ xáo trộn thế nào nếu hôn nhân tan vỡ. Vì vậy, kiểm tra tiền hôn nhân sẽ ngăn chặn việc ly hôn. Biết rõ mọi vấn đề trước khi kết hôn là điều tốt nhất. Nếu một người đàn ông vẫn muốn cưới một cô gái, anh ta có quyền lựa chọn trước đám cưới, chứ không phải sau", Rahimov nói.
Hồng Hạnh