Tết Nguyên đán năm nay ở Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng đột biến nhu cầu thuê bạn gái hoặc bạn trai về ăn Tết bởi nhiều 9x cô đơn muốn đối phó vơi áp lực từ gia đình liên quan đến chuyện hẹn hò, theo SCMP.
Ở Trung Quốc, việc sinh con cái được xem là nghĩa vụ quan trọng, thể hiện sự hiếu thảo. Áp lực phải kết hôn, có thế hệ kế tiếp khiến nhiều người tìm đến giải pháp tạm thời và đắt đỏ: Thuê "người yêu" ăn Tết cùng gia đình.
Mức giá thuê tình nhân hờ thường dao động từ 500 đến 2.000 NDT (khoảng 72 đến 290 USD) một đêm, bao gồm cả các chi phí khác. Tuy nhiên, năm nay, giá tăng vọt khi nhiều cư dân đô thị trở về quê ăn Tết. Một chàng trai độc thân thậm chí đã chi 6.000 NDT (872 USD) trên mạng xã hội Baidu cho một cô gái để đóng giả người yêu ăn một bữa tối cùng gia đình.
Trên một trang môi giới thuê bạn gái hoặc bạn trai, hầu hết khách hàng là những chàng trai độc thân tìm kiếm một "bạn gái" đoan trang, tinh tế. Đa số khách hàng và những người họ thuê đều yêu cầu dịch vụ "xanh", tức không có quan hệ tình dục, thậm chí không hôn.
"Tôi chỉ cho thuê thời gian của tôi, chứ không phải cơ thể", một phụ nữ 27 tuổi ở Thâm Quyến, nói.
Một người đàn ông chuyên đóng vai người yêu, nói rằng anh không chỉ có thể đóng giả yêu đương, mà còn nhận luôn dịch vụ làm hôn nhân giả. Một người khác giới thiệu rằng anh ta có thể che giấu cho khách hàng một thời gian dài bằng cách thường xuyên gọi điện cho phụ huynh, tất nhiên có phụ phí.
Khách hàng sử dụng trang web thuê người yêu này phải đăng ký về công việc, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, chiều cao và cân nặng. Trang web cũng bắt buộc khách ghi rõ về hình thể của mình.
Hầu hết các trang web có chức năng đơn giản như những phòng chat (trò chuyện) để kết nối hai bên, nhưng không có gì đảm bảo chất lượng dịch vụ. "Người yêu" có thể không được như những gì họ thể hiện trên ảnh đại diện.
Một số nhà bình luận lên tiếng lo ngại việc thuê người yêu là không phù hợp với đạo đức và luân lý ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một học giả lại nói rằng sự tồn tại của dịch vụ này phản ánh khác biệt trong suy nghĩ giữa người trưởng thành và người cao tuổi về hôn nhân và gia đình.
"Thế hệ cao tuổi có xu hướng đặt hôn nhân lên trước mọi thứ, với họ, thà có cuộc hôn nhân tệ hại còn hơn sống độc thân", Yue Qian, phó giáo sư xã hội học thuộc Đại học British Columbia, Canada, nói.
"Nhưng người trẻ tuổi Trung Quốc tiếp xúc với các giá trị phương Tây nhiều hơn và cho rằng trạng thái hôn nhân không phải là thước đo duy nhất cho hạnh phúc và thành công", Yue Qian cho biết thêm.
Văn Việt