Náo loạn xảy ra khi một người từng bỏ trốn khỏi Triều Tiên, ông Joseph Kim, kể về cái chết vì đói của cha và quãng thời gian khốn khó khi là trẻ mồ côi, lúc còn ở trong nước. Các nhà ngoại giao Triều Tiên lập tức đứng dậy đọc to lời phản đối cuộc họp, nơi có sự góp mặt của khoảng 20 người đã đào tẩu khỏi Triều Tiên này.
Trong khi nhà ngoại giao Triều Tiên Ri Song-chol cố đọc xong đoạn văn bản có nội dung lên án những cáo buộc vô căn cứ và "chính sách thù địch" đối với nước này, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power yêu cầu bộ phận kỹ thuật can thiệp. "Xin hãy tắt micro đi, vì đó là phần trình bày không được phép. Chúng tôi đang gọi đội an ninh".
Các nhà ngoại giao Triều Tiên đọc lời phản đối xong liền bỏ ra khỏi phòng họp.
Những người Triều Tiên đào tẩu đứng dậy và hò hét. Bà Power cố gắng để giữ đám đông bình tĩnh, và gọi hành động của đoàn ngoại giao Triều Tiên là "tự làm mất thể diện".
Sự kiện này xảy ra không lâu sau khi Ivan Simonovic, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, phát biểu rằng ở Triều Tiên trong những tháng gần đây đang xuất hiện "dấu hiệu mới" trong lĩnh vực nhân quyền, theo AP.
Hồi cuối năm ngoái, một nghị quyết yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa vấn để Triều Tiên lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) với những cáo buộc liên quan tới hành vi "chống lại nhân loại" đã được thông qua, trong một cuộc bỏ phiếu của ủy ban nhân quyền.
Nghị quyết không chỉ đích danh nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhưng nhấn mạnh các cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc cho thấy, "người nắm quyền cao nhất" ở Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho những hành vi được cho là vi phạm nhân quyền ở nước này.
Vũ Hoàng