"Tôi cũng là một người cha. Tôi hiểu họ cảm thấy thế nào khi phải trải qua thảm kịch này, vì thế tôi tình nguyện làm việc", Kang In-kyoo, một thợ lặn dân sự nói tại hiện trường, nhắc đến gia đình của các nạn nhân trên phà Sewol.
Tham gia vào chiến dịch cứu hộ gần 300 người mất tích tại vùng biển phía tây nam Hàn Quốc, ngoài khơi đảo Jindo, anh Kang cùng hàng trăm đồng nghiệp khác đang đặt cược tính mạng của mình trước những nguy hiểm rình rập.
Chung Woon-chae, người từng đứng đầu đơn vị cứu hộ tàu của hải quân, cho hay điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn dưới nước kém và độ sâu của phà chìm là những rào cản lớn nhất đối với các thợ lặn.
Video: Thợ lặn Hàn Quốc bên xác phà Sewol:
Khu vực xảy ra tai nạn nổi tiếng là có dòng chảy mạnh và nhanh thứ hai trong số các vùng nước ven bờ của Hàn Quốc. Từ năm 2002 đến nay, có 58 vụ tai nạn đã xảy ra tại đây. Các dòng hải lưu có lúc di chuyển với vận tốc lên đến 11 km/h, gấp hai lần so với mức an toàn cho các thợ lặn.
"Thậm chí các tàu quân sự cũng tránh đi qua vùng này", ông Shin Hang-sub, một cựu thuyền trưởng tàu tuần tra, cho biết.
Song song với thách thức trên, các thợ lặn còn phải đối mặt với những chướng ngại vật dưới đáy biển do tầm nhìn hạn chế.
Sau 4 ngày nỗ lực bất thành, cuối ngày 19/4, các thợ lặn đã thâm nhập thành công vào xác phà. Không gian ở đó được các thợ lặn miêu tả là giống như một mê cung, đến nỗi nếu đặt bàn tay của mình trước mặt, họ vẫn khó mà nhìn thấy nó. Tầm nhìn thấp cũng khiến lực lượng cứu hộ này dễ bị va chạm với các đồ vật từ phà trôi nổi ra lòng biển, như máy bán hàng tự động và các vật dụng khác.
Phà Sewol được cho là đã chìm xuống độ sâu khoảng 37 m, chỉ cách cấp độ nguy hiểm 3 m. Vào trưa 18/4, con phà đã chìm hoàn toàn, biến mất khỏi tầm nhìn trên mặt biển.
"Thậm chí với các thợ lặn kỳ cựu, việc lặn xuống 37 mét dưới mặt nước biển cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Thời gian lặn tối đa của họ là 90 phút", ông Chung cho biết.
Hôm qua, 563 thợ lặn đã được triển khai để lùng sục bên trong và xung quanh phà. Khí oxy tiếp tục được bơm vào phà để hỗ trợ cho bất kỳ ai còn sống sót.
"Mọi thứ không dễ dàng. Tôi hiểu các gia đình đã kiệt sức vì quá trình cứu hộ diễn ra chậm, nhưng tôi tin rằng họ đang nỗ lực hết sức", ông Chung nói.
Năm 2010, khi tham gia chiến dịch cứu hộ tàu Cheonan 1.200 tấn bị chìm trên biển Hoàng Hải, một thợ lặn kỳ cựu từng phục vụ trong hải quân Hàn Quốc 30 năm đã thiệt mạng. Tuy nhiên, với thợ lặn Kang, an toàn không còn là vấn đề quan trọng nhất trong tình hình này nữa.
"Mục tiêu rõ ràng và quan trọng nhất của cuộc tìm kiếm là không để sót một ai dưới biển", ông nói.
Anh Ngọc (theo Korea Herald)