Henning bị bắt cóc khi đang làm tài xế cho một đoàn xe do Aid4Syria tổ chức. Nhóm này lấy tên Aafia Siddiqui để đặt cho một xe cứu hỏa và dự án viện trợ nước. Siddiqui đang thụ án 86 năm tù tại Mỹ, và là người IS từng đòi để đổi mạng với nhà báo đầu tiên bị cắt đầu James Foley.
Theo Telegraph, cơ quan tình báo và cảnh sát Anh đang điều tra vụ bắt cóc Henning cũng như vụ hành quyết con tin người Anh David Haines. Các cơ quan xác định Aid4Syria và IS cùng có mối quan tâm về việc phóng thích Siddiqui.
Simon Danczuk, nghị sĩ của vùng Rochdale, nơi Aid4Syria đặt trụ sở chính, cho biết ông "lo ngại về động cơ đằng sau hoạt động của tổ chức này".
"Chắc chắn có những câu hỏi cần lời giải đáp về cách thức tổ chức này hoạt động và mục đích của nó. Điều làm tôi đặc biệt lo ngại là thông qua mạng lưới này, một tình nguyện viên chân chính đã vô tình lâm vào nguy hiểm. Tôi hy vọng Ủy ban Từ thiện và các cơ quan khác sẽ điều tra để tìm ra chân tướng của vụ việc", ông nói thêm.
Ủy ban Từ thiện Anh hồi tháng 3 điều tra Al-Fatiha Global , tổ chức mẹ của Aid4Syria, sau khi phát hiện bức ảnh ghi lại cảnh một trong những cán bộ thuộc cơ quan này quàng tay hai người đàn ông bịt mặt và cầm súng trường tự động. Việc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Trang Facebook Aid4Syria đăng tải hình ảnh đoàn xe đến Syria, trong đó có một xe chữa cháy với dòng chữ "đội cứu hỏa Afia Siddiqui" trên cửa ra vào. Một trang vận động cho Siddiqui đăng những hình ảnh khác về đoàn xe, và một hệ thống nước uống do tổ chức từ thiện này tài trợ, được đặt tên là "Dự án nước Aafia Siddiqui".
"Xem xét cách thức biểu hiện ủng hộ cho Aafia Siddiqui trở thành một biện pháp rất hiệu quả để đánh giá sự cực đoan của các nhóm Hồi giáo. Đó là một phép thử tốt để phân biệt giữa nhân đạo chính đáng và hoạt động cực đoan dưới danh nghĩa từ thiện", lãnh đạo của Sam Westrop, một nhóm đa tín ngưỡng nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chính trị ở Anh, cho biết.
Kasim Jameel, trưởng đoàn xe Aid4Syria, bác bỏ việc tổ chức từ thiện có liên quan đến vụ bắt cóc Henning, còn được gọi với biệt danh Gadget, vào tháng 12 năm ngoái.
"Không ai bán đứng anh ta cả, điều đó thật nực cười. Chiếc xe cứu hỏa không nằm trong đoàn xe di chuyển vào tháng 12. Đó là đoàn xe Ramadan. Nhóm chúng tôi gồm nhiều người có quan điểm khác nhau, nhưng điều đó không làm họ trở thành những kẻ khủng bố. Nếu như có bất cứ ai ủng hộ IS, tôi sẽ khai trừ họ ra khỏi nhóm", bà Jameel cho biết.
"Tất cả những gì tôi có thể nói là, những kẻ đó (IS) đã bắt giữ tất cả mọi người, bao gồm cả người Hồi giáo. Chúng tịch thu điện thoại di động và tra hỏi họ, rồi tha cho họ đi, ngoại trừ Gadget, vì anh ta không theo đạo Hồi và có giá trị hơn đối với chúng. Sự việc chỉ đơn giản như vậy".
Vũ Thảo