Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc "Những ngày Việt Nam tại Ấn Độ". Ảnh: TTXVN. |
Đáp lại câu hỏi của phóng viên về việc liệu đã đến lúc chín muồi để Việt Nam có một hệ thống đa đảng, hoặc có các đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam để có thể tính tới các quan điểm của nhiều nhóm sắc tộc, nhiều dân tộc khác nhau, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng kinh tế và hệ thống chính trị bao giờ cũng có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Theo ông, Việt Nam chủ trương phải phát triển kinh tế đồng thời cũng phải đổi mới từng bước vững chắc hệ thống chính trị cho phù hợp; và đã rút ra kinh nghiệm là đổi mới kinh tế phải đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị.
"Thực tiễn các bạn thấy đất nước chúng tôi là chính trị xã hội ổn định, nhân dân được làm chủ trên thực tế, quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, các đoàn thể cũng có tiếng nói và đang làm nhiệm vụ phản biện, giám sát xã hội", ông chỉ rõ. "Việt Nam đang phát triển, đang đi lên, từ thực tế hoàn cảnh cụ thể của đất nước, chúng tôi thấy thực hiện một Đảng vẫn là có hiệu quả nhất."
Theo Chủ tịch Quốc hội, không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, hai đảng thì ít dân chủ hơn và một đảng thì ít dân chủ nữa, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất. Và cũng không nhất thiết cứ kinh tế thị trường thì phải đa đảng và ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ.
Trong bài phỏng vấn này, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi Ấn Độ là đối tác chiến lược và Ấn Độ là nhân tố không thể thiếu trong điều kiện thế giới đang phát triển như hiện nay, tham gia tích cực tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Chủ tịch Quốc hội bắt đầu thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 23/2.
(TTXVN)