Những thành viên còn lại của Charlie Hebdo hôm qua tổ chức một cuộc họp báo giới thiệu về số đặc biệt sẽ phát hành hôm nay.
Dù đã mất đi nhiều cây bút gạo cội, các họa sĩ khẳng định họ vẫn không đánh mất tính hài hước và mục đích chính của họ trong số báo mới không phải là tưởng niệm mà là "làm mọi người cười".
Trang bìa của số đặc biệt là một biếm họa cho thấy nhà tiên tri của đạo Hồi Mohammed cầm tấm biển ghi "Tôi là Charlie", bên dưới là dòng chữ "Tất cả đều được tha thứ".
Những biếm họa và bài viết trước đó của các tay bút đã thiệt mạng sẽ được đăng tải lại.
Luz, một họa sĩ sống sót nhờ đi làm muộn giờ, kể rằng ông đã hét lên "Allahu Akhbar", cụm từ của người Hồi giáo có nghĩa là "Thượng đế vĩ đại", khi hoàn thành bức vẽ cuối cùng cho số báo. Ông là tác giả của biếm họa ở bìa sau tạp chí, cho thấy những kẻ khủng bố Hồi giáo thất vọng khi lên thiên đường và hỏi: "70 trinh nữ đâu?".
Câu trả lời mà chúng nhận được là: "Đi cùng nhóm Charlie rồi, những kẻ thua cuộc". Các chiến binh Hồi giáo cực đoan tin rằng sau khi "tử vì đạo", chúng sẽ được lên thiên đường và ban tặng 70 trinh nữ.
Riss, một họa sĩ bị thương, vẽ tranh bằng tay trái còn lành lặn. Bức tranh của anh mô tả một phần tử khủng bố giết nhiều người của tạp chí Charlie Hebdo bằng một khẩu AK47, với dòng chú thích: "Một họa sĩ Charlie Hebdo, công việc dài 25 năm. Một kẻ khủng bố, công việc chỉ 25 giây".
Khi được hỏi liệu có e ngại rằng trang bìa sẽ gây ra phản ứng, Luz cho hay: "Tôi hoàn toàn không lo lắng gì về trang bìa. Tôi nghĩ mọi người rất thông minh. Chúng tôi đang đặt niềm tin của chúng tôi vào sự thông minh của mọi người, trong sự hài hước, trào phúng".
"Những kẻ đã gây ra các vụ tấn công đơn giản là không có tính hài hước. Họ đánh giá mọi thứ theo giá trị bề mặt. Phải có chỗ cho trào phúng", ông nói. "Tôi đã tự nói với mình rằng chúng tôi phải làm ra một bức tranh khiến tất cả chúng ta cười, chứ không phải là một tác phẩm với cảm xúc nặng nề rằng chúng ta là nạn nhân".
"Chỉ có một người đàn ông nhỏ bé đang khóc, đó là Mohammed. Tôi xin lỗi vì chúng tôi lại vẽ ông ấy nhưng trên tất cả, đó là một Mohammed đang khóc", ông nói thêm. "Ý tưởng chính là vẽ Mohammed, Tôi là Charlie. Sau đó tôi nhìn ông ấy, và ông ấy đang khóc. Phía trên, tôi viết 'Tất cả đều được tha thứ'. Và sau đó, tôi khóc. Chúng tôi có trang bìa".
Gérard Biard, chủ bút Charlie Hebdo, nhấn mạnh: "Mohammed của chúng tôi dễ thương hơn nhiều so với người mà những kẻ nã súng nhắc đến. Tạp chí khiến chúng tôi cười phá lên và chúng tôi hy vọng nó sẽ làm cả thế giới cười khi mua nó".
Số đặc biệt của Charlie Hebdo và cũng là số đầu tiên kể từ sau vụ tấn công sẽ dài 16 trang như thường lệ nhưng được dịch ra nhiều thứ tiếng gồm Arab, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và tiếng Anh.
3 triệu bản sẽ được in ấn và phát hành ở 25 quốc gia, cao hơn nhiều so với mức thông thường là 60.000 bản mỗi tuần và chỉ ở Pháp.
Sau số này, tạp chí sẽ tạm nghỉ một thời gian.
Anh Ngọc